Viên ngọc xanh vùng biên ải

Giữa trưa, từng đoàn xe điện vẫn nối đuôi nhau chở du khách tấp nập đổ về những eo biển của xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cái độc đáo ở vùng biển này là dù hoang sơ, dân dã nhưng vẫn thu hút du khách bởi khung cảnh tuyệt đẹp của một vùng biên ải. Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Lý, ông Nguyễn Văn Long phấn khởi cho biết: 'Bộ mặt vùng biên thực sự khởi sắc khoảng 5-6 năm nay. BĐBP đứng chân trên địa bàn luôn đồng hành với chính quyền địa phương và bà con nhân dân trên con đường đưa Nhơn Lý từng ngày phát triển'.

Đường xuống Eo Gió hoang sơ. Ảnh: Văn Chương

Đường xuống Eo Gió hoang sơ. Ảnh: Văn Chương

Chốn yên bình thu hút

Nhơn Lý từng được biết đến là một cù lao nằm biệt lập với xung quanh và phải mất cả giờ đồng hồ để ngồi thuyền máy, đi từ nơi này tới thành phố Quy Nhơn. Nhưng chính mặt trái của “nỗi cô quạnh” đã giúp Nhơn Lý luôn giữ được bản sắc riêng, đậm vẻ mộc mạc, dân dã từ nhà cửa đến con người và nhất là cảnh sắc thiên nhiên. Từ năm 2006, cầu Thị Nại được khánh thành, sau đó, nhiều hạng mục được xây dựng tại ốc đảo, biến vùng đất hoang sơ này thành nơi thu hút mạnh mẽ du khách khắp nơi trong và ngoài nước.

Buổi sáng của ngày đầu tháng 9, những chuyến xe nối đuôi nhau đưa du khách từ thành phố Quy Nhơn tới xã Nhơn Lý. Chị Hồng, một du khách quê ở Hà Nội cho biết, chưa cần tới nơi, xe mới đi dọc đường là chị đã có cảm giác sắp bước chân tới một nơi tuyệt đẹp. Bởi vì bờ biển có những núi cát cao hùng vĩ, sau đó đi vào một thung lũng nằm ở phía Đông ngọn núi đi ra bán đảo Phương Mai, nơi có những địa danh nổi tiếng như Eo Gió, bãi Kỳ Co, bãi Bắc, bãi Nồm, nước biển thì trong xanh như ngọc bích.

Tại đây có một làng chài được xây dựng trên những đồi cát cao lô nhô. Những du khách tò mò đi vào làng chài sẽ có cảm giác như lọt vào một làng quê yên bình trong quá khứ. Ngôi nhà sát bến ca nô nằm dưới chân núi được khắc số năm xây dựng ngay trên mái hiên là 1957, nhiều ngôi nhà vẫn giữ nguyên màu tường cũ, kiến trúc thập niên 70, 80… Sự khác biệt và dân dã như vậy đã níu giữ du khách, khi đã đến một lần thì sẽ nhớ mãi không quên.

Những nơi khách du lịch ồ ạt đổ về thì sẽ sinh ra hệ lụy rác thải, túi nilon. Nhưng ở Nhơn Lý, chính quyền địa phương và BĐBP thường xuyên tuyên truyền cho người dân giữ gìn môi trường chính là bảo vệ sự phát triển bền vững, là “nồi cơm” của mỗi gia đình. Những người lính Biên phòng ở đây phải làm gương trước, song song với việc tuyên truyền, vận động.

Trung úy Bùi Tấn Vũ, cán bộ Đồn Biên phòng Nhơn Lý cho biết, cứ vào ngày cuối tuần là Chi đoàn Thanh niên phối hợp với các đơn vị tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường. Khu vực được chú trọng nhiều nhất là phía bãi Bắc. Vùng này ít du khách, nhưng nhà dân ở sát bãi biển nên không tránh được việc bà con xả rác ra xung quanh khu vực. Để người dân có ý thức hơn trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp, đơn vị đã triển khai và thực hiện nghiêm trong nhiều năm nay.

Giữ nguyên nhịp sống làng chài

Trong các cuộc hội thảo về phát triển du lịch ở miền Trung, những chuyên gia về du lịch thường cho rằng “du lịch hoang dã, hướng về thiên nhiên sẽ thu hút du khách”. Có những ví dụ được đưa ra về du lịch ở Thái Lan, những vùng biển, đảo được giữ nguyên cảnh hoang sơ, toàn bộ nhà, ghế, bàn, chòi… đều được làm từ sản phẩm cây dừa, nên đã gây ấn tượng mạnh đối với du khách.

Cái “lạ” ở Nhơn Lý cũng là nằm ở đó. Du khách tới Nhơn Lý du ngoạn cảnh biển, lặn ngắm san hô ở Eo Gió, bãi Bắc, bãi Nồm, bãi Kỳ Co, tập trung đông nhất vẫn là ở khu vực eo biển bãi Bắc. Nơi đây có diện tích khá hẹp, vì vậy, cầu cập ca nô để chở khách đi thăm thú ngoài biển cũng nằm chung với bãi đáp của tàu đánh cá của bà con ngư dân. Buổi sáng, nhiều chiếc tàu của ngư dân Phú Yên, Khánh Hòa cập bến và khung cảnh làng chài diễn ra nhộn nhịp ngay trước mắt du khách.

Khu nhà để du khách đứng cũng là nơi chất đầy ngư lưới cụ, thúng, chèo, giỏ… Mùi đặc trưng ở nơi đây là hơi gió biển pha lẫn với mùi cá. Cán bộ chiến sĩ BĐBP thường xuyên có mặt tại cầu cảng để kiểm tra việc mọi người mặc áo phao, kiểm soát các ca nô nằm trong danh sách được phép chở khách. Khi hỏi vài du khách đến từ các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang… về việc cảm nhận ra sao khi nhà chờ, bến cảng còn quá xoàng xĩnh? Mọi người đều cười ồ lên và nói rằng, họ muốn chung sống với thiên nhiên, hiểu được nhịp sống của cư dân làng chài, nên cảnh bề bộn lưới, thuyền cũng để lại cảm giác lạ và đáng nhớ.

Đồn Biên phòng Nhơn Lý và Đoàn thanh niên ra quân dọn dẹp môi trường. Ảnh: Văn Chương

Đồn Biên phòng Nhơn Lý và Đoàn thanh niên ra quân dọn dẹp môi trường. Ảnh: Văn Chương

Đảm bảo an ninh, an toàn vùng biển đẹp

Tại Eo Gió nằm gần con đường rẽ xuống bãi Bắc, từng đoàn du khách với váy áo đủ sắc màu đi qua cánh cổng đang mở toang, đi dọc hành lang nhìn ra biển để lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ. Đây là khu vực được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC tại Quy Nhơn khai thác, nhưng ngày 5/8/2022, UBND tỉnh Bình Định đã công bố về việc đã ra quyết định thu hồi. Trong thời gian này, những người lính Biên phòng và chính quyền địa phương luôn tăng cường công tác tuần tra, nhắc nhở để đảm bảo an toàn cho các du khách đến tham quan.

Vào các ngày lễ lớn như 30/4, 1/5, 2/9, lượng du khách đổ về thành phố Quy Nhơn xinh đẹp lên tới gần 200 ngàn người, trong đó, có hàng chục ngàn người đổ về eo biển xinh đẹp ở Nhơn Lý. Sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định mỗi ngày đón khoảng 30 chuyến bay, trong đó, phần lớn là du khách ở các tỉnh phía Bắc tới vãn cảnh phố biển, đặt chân tới Nhơn Lý để check-in, selfie trước viên ngọc bích còn đầy vẻ hoang sơ, quyến rũ. Đó là thời gian trực tăng cường của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Lý, nội dung công việc là sẵn sàng tham gia vào các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phối hợp với địa phương, công an tuần tra, canh gác, thực hiện đúng vai trò là lực lượng chủ trì đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới.

Chị Huyền, du khách đến từ tỉnh Bắc Ninh so sánh, tour du lịch Lý Sơn ở Quảng Ngãi, Cù Lao Chàm ở Quảng Nam đều được tổ chức chính quy, bài bản, có nhà ga, đi tàu cao tốc, có bến đỗ dành cho ca nô, du thuyền. Nhưng tới Nhơn Lý, mọi người giống như được du lịch theo kiểu homestay, cảm giác được hòa mình với cuộc sống của người dân làng chài, được hít thở gió biển đượm mùi cá, điều đó sẽ để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách. Công tác đảm bảo an ninh trật tự thì ở nơi này được những người lính Biên phòng duy trì nghiêm, không có các vụ việc chèo kéo, gây khó cho du khách.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vien-ngoc-xanh-vung-bien-ai-post454582.html