'Viện Pasteur Nha Trang thiếu sinh phẩm do một số tỉnh ỷ lại'
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định hệ thống y tế không bao giờ thiếu sinh phẩm. Tuy nhiên, một số địa phương có tâm lý ỷ lại Trung ương.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 sáng 7/8, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long được Thủ tướng yêu cầu báo cáo về tình trạng thiếu sinh phẩm làm xét nghiệm ở Viện Pasteur Nha Trang.
Quyền Bộ trưởng Y tế khẳng định ngay từ ca nhiễm đầu tiên, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tăng cường năng lực xét nghiệm bởi đây là vấn đề mấu chốt để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, một số địa phương có tâm lý ỷ lại Trung ương. Việc này không phù hợp với chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo phương châm “4 tại chỗ”.
"Một vài tỉnh miền Trung có tâm lý ỷ lại, gửi tất cả mẫu xét nghiệm cho viên Pasteur Nha Trang nên nơi đây bị quá tải”, ông Long nói.
Không bao giờ thiếu sinh phẩm
Theo ông Long, hệ thống y tế không bao giờ thiếu sinh phẩm, nhất là đối với các đơn vị y tế của Trung ương. Từ thực tế này, quyền Bộ trưởng Y tế đề nghị các địa phương chủ động đẩy nhanh tiến độ mua sắm sinh phẩm, không trông chờ vào Trung ương cấp, vì theo Điều 22 Luật Đấu thầu quy định trường hợp mua sinh phẩm được áp dụng chỉ định thầu.
Về phía Trung ương, ông Long cho biết đã mở ra các cơ chế trong vấn đề mua sinh phẩm, đó là thanh toán bằng bảo hiểm y tế. Các các sở y tế phải chủ động mua sắm. Nếu giá chưa phù hợp, sau này ngân sách Nhà nước sẽ chi trả hoặc tính lại đúng, đủ.
Ngoài ra, các tỉnh, thành được quyền đặt hàng theo mùa vụ.
“Hiện một số cơ sở y tế tư nhân có thể thực hiện việc xét nghiệm nên các địa phương có thể ký hợp đồng với các cơ sở này”, ông Long gợi ý.
Không để có ca nhiễm mới truy tìm
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần quán triệt các giải pháp chống dịch để không ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế. Ông cũng yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo phòng, chống dịch.
Theo người đứng đầu Chính phủ, dịch bệnh đang lây lan ở mức cao, đến nay đã 213 quốc gia có ca nhiễm. Trong đó, nhiều nơi bùng phát mạnh như thành phố Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc), nhiều thành phố lớn ở Mỹ; có nơi tái phát nhiều lần.
Thủ tướng nhấn mạnh “chưa thể nói đã giải quyết được dịch bệnh Covid-19 khi chưa có vaccine”. Dù đây là tình trạng chung của các nước, Việt Nam cũng không thể chủ quan, thiếu cảnh giác.
Nhắc đến cuộc chiến chống dịch Covid-19, người đứng đầu Chính phủ một lần nữa ghi nhận nỗ lực, cố gắng của Ban chỉ đạo quốc gia, ngành y tế và nhiều địa phương đã tích cực trong chỉ đạo phòng, chống dịch. Đặc biệt, lực lượng y tế các địa phương đã chi viện, hỗ trợ cho tâm dịch Đà Nẵng, Quảng Nam với tinh thần trách nhiệm cao.
Cho rằng các dự báo về dịch khó chính xác, Thủ tướng nhắc chúng ta cần chủ động nhìn trước tình hình để có phương án xử lý tương ứng.
“Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng hiện ở mức cao, đòi hỏi chúng ta quyết tâm hơn nữa, đoàn kết, trách nhiệm hơn nữa từ cả hệ thống chính trị, trong ít nhất 2 tuần tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nhiều địa phương, đặc biệt Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh có lịch trình phức tạp, Thủ tướng chỉ đạo truy vết, xét nghiệm nhanh và có giải pháp cách ly tập trung để dập dịch, kiên quyết điều trị tích cực.
Yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện khai báo y tế, cách ly những người về từ Đà Nẵng, Thủ tướng quán triệt “không để phát sinh ổ dịch mới, không để có ca nhiễm mới truy tìm”.
Bên cạnh đó, ông chỉ đạo cần khoanh vùng, cách ly xã hội nghiêm ngặt tất cả nơi là ổ dịch, đẩy nhanh tốc độ, nâng cao độ chính xác của xét nghiệm xác định RT-PCR, truy vết, khoanh vùng nơi có nguy cơ nhiễm cao. Ông đề nghị các địa phương có dịch cần dồn phương tiện, nguồn nhân lực cho việc xét nghiệm RT-PCR.
“Các địa phương tổ chức đấu thầu mua vật tư làm sao để có nhanh nhưng không vướng tham nhũng. Không lấy lý do vì cơ chế mà để chậm, không được nói là vì tôi thiếu tiền, thiếu tiền thì phải xuất ngân sách dự phòng hoặc báo cáo gấp Trung ương để xử lý vấn đề này”, Thủ tướng yêu cầu.
Không để xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ”
Đánh giá về biện pháp giãn cách xã hội, Thủ tướng cho rằng các địa phương đã thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời và ổn định. Song, ông nhắc nhở không đồng loạt thực hiện biện pháp này ở nơi chưa có dịch mà cần đảm bảo những hoạt động tối thiểu để duy trì nền kinh tế. Thủ tướng tái khẳng định không được để tình trạng “ngăn sông cấm chợ” xảy ra.
“Tôi giao chủ tịch UBND các tỉnh, thành tự xem xét tình hình thực tiễn để đưa ra giải pháp cụ thể thực hiện trong diễn biến mới của dịch Covid-19”, Thủ tướng chỉ đạo.
Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, không để việc chống dịch ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nhưng cũng không vì phát triển kinh tế mà ảnh hưởng đến phòng chống dịch. Các tỉnh, thành, đặc biệt những nơi có dịch, cần sẵn sàng nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… để đảm bảo cung cấp cho người dân trong trường hợp dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Thủ tướng quán triệt một lần nữa về nhiệm vụ tập trung cao độ, huy động tổng lực, dồn sức cho lực lượng chống dịch, quyết tâm kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất. Đặc biệt, các cơ sở y tế không chủ quan, để bùng phát dịch tại bệnh viện.
“Không chỉ ngăn chặn lây nhiễm cộng đồng, ngành y cần bảo vệ cán bộ y tế, đảm bảo lực lượng này không bị lây nhiễm”, Thủ tướng nhắc nhở.
Với Bộ Y tế, Thủ tướng giao nhiệm vụ sẵn sàng thành lập các bệnh viện dã chiến các địa phương nếu cần thiết như ở Đà Nẵng, Quảng Nam, các thành phố có thể có lượng người lây nhiễm đông.
Để đẩy nhanh tiến độ truy vết, Thủ tướng kêu gọi mọi người dân cài đặt phần mềm Bluezone. Các địa phương cần nâng cao truyền thông để người dân không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh, nâng cao ý thức tự phòng tránh bằng nhiều hình thức, từ tin nhắn đến loa phường.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố là người phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về những biện pháp trong phòng, chống dịch. Những trường hợp chủ quan, khinh suất gây ảnh hưởng đến công tác này sẽ bị xử lý nghiêm.