Viện phát triển vắc xin Sputnik-V của Nga bị tin tặc tấn công
Viện trưởng Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học Gamaleya của Nga, Alexander Gintsburg hôm 26.9 cho biết các máy tính của trung tâm đã bị tin tặc tấn công trong giai đoạn nghiên cứu vắc xin Sputnik-V.
“Tin tặc đã thực hiện nhiều vụ tấn công mạng nhưng tôi không phải là chuyên gia công nghệ thông tin để nhận định chúng có liên quan đến vắc xin Sputnik-V hay không”, ông Gintsburg phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-1 của Nga hôm 26.9.
Gintsburg nói ông không có đủ dữ liệu để đánh giá mục đích các cuộc tấn công mạng này nhưng khẳng định tin tặc đã đột nhập máy tính của các chuyên gia phát triển vắc xin ngừa COVID-19 ở viện Gamaleya. Ông cho biết đợt tấn công diễn ra vài tháng trước trong giai đoạn viện đang phát triển vắc xin.
Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vắc xin ngừa COVID-19 vào hôm 11.8. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đảm bảo tính an toàn của vắc xin giữa những lo ngại trên toàn thế giới. Ông Putin cũng xác nhận con gái ông đã được tiêm loại vắc xin này.
Sản phẩm nội địa mang tên Sputnik-V đã được triển khai dù chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, nhưng kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 - 2 cho thấy vắc xin an toàn và hiệu quả. Bộ Y tế Nga cho biết vắc xin Sputnik-V tạo kháng thể có hiệu lực trong khoảng hai năm và bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba hôm 9.9.
COVID-19 bùng phát từ tháng 12.2019 và lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 33 triệu ca nhiễm, gần 1 triệu ca tử vong. Đại dịch khiến nhiều quốc gia dồn nguồn lực chưa từng có để phát triển vắc xin, đồng thời làm dấy lên nghi vấn tin tặc một số nước tấn công đánh cắp thông tin.
Trung tâm An ninh mạng quốc gia Anh (NCSC) hôm 16.7 cáo buộc nhóm tin tặc Nga APT29 còn được gọi là "Cosy Bear" tiến hành các cuộc tấn công mạng nhắm vào những tổ chức nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19 của Anh, Mỹ và Canada.
NCSC đã cáo buộc hoạt động của nhóm tin tặc APT29 nằm trong chương trình của các cơ quan tình báo Nga. Các cuộc tấn công được giới chức tình báo Anh xem là nỗ lực nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ hơn là làm gián đoạn nghiên cứu.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga không dính líu đến bất kỳ vụ tấn công mạng nào vào các công ty dược phẩm và viện nghiên cứu ở Anh. Ông nói rằng vắc xin hàng đầu của Nga dựa trên một thiết kế được phát triển bởi các nhà khoa học để chống lại Ebola nhiều năm trước.
Truyền thông Tây Ban Nha hôm 18.9 cũng cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu tại các phòng thí nghiệm đang nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19 ở nước này. Lãnh đạo Cơ quan Mật vụ Tây Ban Nha Paz Esteban cho biết tin tặc “triển khai chiến dịch thâm độc” nhằm vào đơn vị phát triển vắc xin lẫn nhiều nơi khác.
Long Hải (theo IBTimes)