Viện Sinh học Nông nghiệp cam kết bao tiêu 100% sản phẩm khoai tây liên kết với giá có lợi cho người sản xuất

Sau 2 vụ trồng khoai tây tại vùng sản xuất tập trung, vụ đông năm nay, lần đầu tiên xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) triển khai mô hình sản xuất khoai tây có liên kết với Viện Sinh học Nông nghiệp.

Đây là vụ khoai tây đầu tiên sản xuất theo mô hình liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ

Các năm trước, gia đình chị Lê Thị Bình (thôn Yên Khánh) đã từng sản xuất khoai tây hàng hóa tại vùng sản xuất tập trung của xã. Mặc dù diện tích không thiếu nhưng chị chỉ sản xuất được khoảng trên dưới 1 sào do thiếu giống.

Vụ đông này, thực hiện sản xuất liên kết, nguồn giống được đối tác cung ứng dồi dào, gia đình mạnh dạn trồng 2 sào. Đến thời điểm này, diện tích khoai tây của gia đình đã hoàn thành khâu xuống giống.

Theo chị Bình, thực hiện sản xuất liên kết, việc sản xuất nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là không lo thị trường đầu ra

Chị Bình cũng như các hộ sản xuất ở Cẩm Vịnh đang đặt hy vọng một kết quả khả quan vào cuối vụ. Bởi, nông dân nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực từ phía đơn vị liên kết như: chủ động nguồn giống chất lượng cao, vật tư phân bón và đặc biệt là không lo thị trường đầu ra; sản phẩm sẽ được bao tiêu 100% với giá cả có lợi cho người sản xuất.

“Nếu như mọi việc suôn sẻ, sang năm tôi sẽ dành diện tích sản xuất vụ đông của gia đình để tập trung phát triển cây khoai tây” - chị Bình cho biết.

Để khoai tây phát triển tốt và cho năng suất cao, người sản xuất được doanh nghiệp hướng dẫn tủ rơm (hoặc vỏ trấu) sau khi xuống giống

Là một giáo viên mới nghỉ hưu ở địa phương nhưng chị Nguyễn Thị Ty (thôn Yên Khánh) rất tích cực trong sản xuất cây khoai tây, đặc biệt là khi xã triển khai mô hình liên kết. Vụ này, gia đình chị làm hơn 2 sào khoai tây liên kết.

Theo chị, mặc dù là giống cây trồng mới được du nhập nhưng qua mấy mùa trồng thí điểm, bên cạnh dễ trồng, dễ chăm sóc và ít rủi ro do sâu bệnh, loại cây này đã thể hiện được hiệu quả vượt trội so với các loại cây bản địa khác.

Qua nghiên cứu thực tiễn sản xuất thí điểm và tính khả thi từ cây khoai tây trên địa bàn xã Cẩm Vịnh, vụ đông năm nay, Viện Sinh học Nông nghiệp - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chủ động triển khai mô hình sản xuất khoai tây liên kết với địa phương trên 5 ha đất sản xuất rau củ quả tập trung với 25 hộ tham gia.

Sản xuất liên kết, bà con cũng được doanh nghiệp đầu tư cơ giới hóa khâu làm đất, xuống giống

Theo đó, đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp giống, phân bón, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá 6.800 đồng/kg. Đặc biệt, đơn vị trực tiếp đảm nhận kỹ thuật cày đất, vun luống và áp dụng cơ giới hóa khâu xuống giống cho bà con. Trong đó, áp dụng kỹ thuật trồng 2 hàng/luống và tủ gốc bằng rơm hoặc vỏ trấu.

Theo ước tính, trong điều kiện phát triển bình thường, sau 3 tháng, mỗi sào khoai tây sẽ thu hoạch 1 đến 1,2 tấn sản phẩm (trước đó, giống cũ chỉ đạt 3-4 tạ/sào). Sau khi trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 3 triệu đồng/sào.

Trước đây, khoai tây chỉ trồng mỗi luống một hàng. Vụ này, theo hướng dẫn của doanh nghiệp, bà con trồng 2 hàng/luống

Theo ông Trần Văn Toàn - Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn xã Cẩm Vịnh, mặc dù người dân vẫn băn khoăn khi giá chưa cao bằng khoai tây giống cũ, tuy nhiên, nhìn chung đây là mô hình liên kết sản xuất thí điểm quy mô khá lớn với nhiều điểm có lợi cho người sản xuất. HTX sẽ tập trung theo dõi, chỉ đạo và hỗ trợ xã viên sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm từng bước nhân rộng mô hình sản xuất về cả diện tích và số lượng người dân tham gia hàng năm.

Một số diện tích khoai tây xuống giống sớm đã phát triển tốt và khỏe hơn so với giống cũ

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho biết: "Huyện đã kết nối xây dựng liên kết chuỗi với một đơn vị có uy tín trong sản xuất giống cây trồng như Viện Sinh học Nông nghiệp nhằm giúp người dân yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông theo hướng sản xuất hàng hóa công nghệ cao.

Với 5 ha tại xã Cẩm Vịnh, nếu thành công, huyện sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trên địa bàn các xã có điều kiện tiểu khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với cây khoai tây. Mục tiêu của chuỗi liên kết là hình thành và phát triển một vùng sản xuất giống khoai tây quy mô lớn và bền vững tại huyện Cẩm Xuyên”.

Viện Sinh học Nông nghiệp là đơn vị nghiên cứu khoa học hàng đầu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đây là một đơn vị chuyên nghiên cứu phát triển các loại giống cây trồng như: lúa, khoai tây, hoa….; đồng thời, trực tiếp liên kết với Tập đoàn Orion Hàn Quốc trong nghiên cứu, phát triển khoai tây giống và cung ứng nguyên liệu sản xuất sản phẩm bimbim cho Tập đoàn.

Vũ Huyền

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/nbsp-vien-sinh-hoc-nong-nghiep-cam-ket-bao-tieu-100-san-pham-khoai-tay-lien-ket-voi-gia-co-loi-cho-nguoi-san-xuat/183961.htm