Viện trợ khắc phục hậu quả động đất cho Syria gặp nhiều khó khăn
Đài CNN và hãng tin AP chỉ ra, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng tiếp nhận viện trợ khắc phục hậu quả động đất từ cộng đồng quốc tế, nỗ lực giúp đỡ Syria lại rất khó khăn.
Ngày 8.2, Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan cho biết, có 70 quốc gia và 14 tổ chức quốc tế cam kết viện trợ Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Mỹ, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Israel và Nga.
Trong khi đó, tình hình viện trợ cho Syria phức tạp hơn. Khó khăn đầu tiên là đường sá cùng hạ tầng ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ như sân bay Hatay hay tuyến đường đến cửa khẩu Bab al-Hawa bị hư hại, cản trở viện trợ đến miền bắc Syria - nơi vốn đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ 12 năm chiến tranh.
Một khó khăn nữa là chính phủ Syria không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ. Vài khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất hiện do lực lượng đối lập, dân quân người Kurd hoặc chiến binh Hồi giáo dòng Sunni kiểm soát.
Viện trợ quốc tế nhiều năm qua khó được đưa qua Damascus nên thường thông qua Thổ Nhĩ Kỳ đến tỉnh Idlib. Tuyến vận chuyển này hiện bị hư hại do động đất, nhiều tổ chức lo ngại chính phủ Syria không chuyển hàng viện trợ cho người dân ở khu vực không thuộc quyền kiểm soát của họ.
Hãng AP cho biết, đến nay UAE, Iraq, Iran, Libya, Ai Cập, Algeria và Ấn Độ đều gửi hàng viện trợ đến các sân bay do chính phủ Syria kiểm soát. Afghanistan, Ả Rập Saudi, Qatar, Oman, Trung Quốc, Canada, Vatican cam kết viện trợ nhưng chưa rõ gửi đến đâu.
Ngày 8.2, chính phủ Syria thông báo đã thiết lập hơn 100 nơi trú ẩn trang bị hàng viện trợ trên khắp khu vực họ kiểm soát như Aleppo, Hama, Homs, Tartus, Latakia.
Lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt cũng làm trầm trọng thêm tình hình cứu trợ. Người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Trăng lưỡi liềm đỏ Ả Rập Khaled Hboubati cho biết: “Do phong tỏa và trừng phạt nên không có nhiên liệu cho các đoàn xe cứu hộ lẫn cứu trợ”.
Ông kêu gọi phương Tây giúp đỡ bằng cách bãi bỏ trừng phạt. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển Vương quốc Anh đều lên tiếng khẳng định không làm vậy. Hiện Mỹ và Anh giúp đỡ thông qua loạt tổ chức nhân đạo như White Helmets, Liên minh châu Âu (EU) thông qua các tổ chức phi chính phủ cũng như Liên Hợp Quốc.
Về lý thuyết, hoạt động viện trợ từ chính phủ không bị trừng phạt ngăn chặn vì cả Mỹ lẫn EU đều miễn trừ cho viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, trên thực tế, ngân hàng có thể chặn dòng tiền chuyển cho đơn vị cung cấp hàng hoặc nhân viên địa phương của tổ chức nhân đạo do sợ vi phạm lệnh trừng phạt.