Viện trợ Ukraine: Không phải nước nào cũng sẵn lòng mua vũ khí Mỹ cho Kiev, Tổng thống Zelensky phàn nàn về Washington?
Ít nhất 4 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) được cho là đã quyết định không tham gia sáng kiến mua vũ khí Mỹ cho Ukraine. Trong số đó có hai nước lớn trong EU - Pháp và Italy.

Một kho vũ khí của Ukraine. (Nguồn: The New York Times)
Hôm 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đã đạt được thỏa thận với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc sẽ cung cấp lô vũ khí lớn trị giá hàng tỷ USD - bao gồm tên lửa, hệ thống phòng không và đạn dược - để chuyển giao cho Ukraine và các đồng minh châu Âu trong liên minh quân sự sẽ chi trả 100% chi phí.
Theo tờ Politico, Pháp không có ý định tham gia sáng kiến này khi đang tự phát triển sản xuất vũ khí. Trong khi đó, báo Repubblica đưa tin, Italy cũng sẽ hạn chế việc đóng góp để hỗ trợ hậu cần và tài chính cho các hoạt động viện trợ giúp Ukraine được điều phối thông qua NATO.
Bộ Quốc phòng Italy đã tạm dừng các thương vụ mua sắm mới, đặc biệt là các hợp đồng liên quan tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu để cung cấp cho Ukraine. Tờ Stampa nhấn mạnh, những quan ngại về việc cân đối ngân sách, sự nhạy cảm trong bầu cử cũng như việc Italy không sẵn sàng tăng nợ công để mua các hệ thống vũ khí "mà người dân Italy không yêu cầu" đã thúc đẩy quyết định trên.
Ngoài ra, cho đến nay, Cộng hòa Czech và Hungary đã chính thức tuyên bố từ chối tham gia sáng kiến mua sắm nêu trên của Mỹ và NATO. Thủ tướng Czech Petr Fiala cho biết, viện trợ của nước này cho Ukraine sẽ được cung cấp theo những cách khác, trong khi Ngoại trưởng Hungary tuyên bố "tiền và vũ khí" của Budapest sẽ không được gửi đến Ukraine.
Tuy nhiên, có nhiều nước đã xác nhận tham gia kế hoạch của Mỹ, trong đó có Đức, Thụy Điển và Đan Mạch. Politico dẫn nguồn tin giới chức Đức cho biết, nước này sẽ mua vũ khí Mỹ để tăng cường kho vũ khí của nước này và cung cấp lại cho Ukraine, trong khi Bộ Tài chính Czech khẳng định,g việc tiếp tục chương trình viện trợ cho Ukraine là một trong những ưu tiên của chính phủ .
Phía Nga chỉ trích rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đang trực tiếp lôi kéo các nước NATO vào cuộc xung đột và đây là hành động "đùa với lửa". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo bất kỳ chuyến hàng nào chứa vũ khí cho Ukraine sẽ là mục tiêu chính đáng của Nga.
Liên quan viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine, ngày 15/7, trong cuộc phỏng vấn của hãng Newsmax, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã phàn nàn việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vì không cung cấp đủ viện trợ quân sự cho Kiev.
Ông Zelensky nói: “Tôi nhớ rằng chúng tôi từng có một gói răn đe rất mạnh trước khi Tổng thống Trump nhậm chức. Tôi muốn Mỹ bán cho chúng tôi một gói như vậy. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra. Chúng tôi đã nói chuyện với Tổng thống Trump về vấn đề này”.
Liên quan tình hình quân sự Ukraine, ngày 16/7, Quốc hội nước này đã phê chuẩn bước đầu khoản chi ngân sách bổ sung trị giá 9,8 tỷ USD cho quân đội và quốc phòng trong năm nay. Cụ thể, bản sửa đổi ngân sách đã được thông qua trong lần đọc đầu tiên, nâng tổng chi tiêu quốc phòng kỷ lục trong ngân sách 2025 từ 2,2 nghìn tỷ Hryvnia (53,2 tỷ USD) lên thành 2,612 nghìn tỷ Hryvnia (63 tỷ USD).
Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách Quốc hội Roksolana Pidlasa nhấn mạnh, khoảng 216 tỷ Hryvnia sẽ được dùng để mua sắm và sản xuất thêm vũ khí. Theo Bộ Tài chính Ukraine, chính phủ có kế hoạch huy động thêm nguồn vốn thông qua phát hành nợ trong nước, đồng thời kỳ vọng tăng thu ngân sách nhờ quyết định nâng nhiều loại thuế từ năm ngoái.