Viện trưởng VKSND tối cao: Sử dụng tiền mặt phổ biến dẫn đến tham nhũng, tiêu cực
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng chính việc sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các hoạt động, quan hệ kinh tế, thanh toán không qua ngân hàng là bất cập, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực
Chiều 20-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND) Lê Minh Trí.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nêu rõ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng. "Vậy qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đề nghị Viện trưởng cho biết đã có những chỉ đạo gì và có những biện pháp như thế nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư?" - đại biểu Hoa chất vấn.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng nêu thực trạng thời gian qua có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm được, có tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật.
Đại biểu đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trả lời, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết câu hỏi đại biểu nêu là vấn đề lớn, vĩ mô, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nên cần hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế để hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Ông kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực. "Có công khai, có minh bạch thì sẽ kiểm soát được" - ông nói.
Theo ông Lê Minh Trí, tồn tại trong hệ thống tư pháp có nhiều nguyên nhân, như văn bản hướng dẫn và giải thích luật chưa đáp ứng kịp thời; người thực hiện quy định pháp luật còn nhận thức khác nhau; cơ quan tư pháp khi thực hiện chức năng nhiệm vụ thì nhận thức khác.
Ông lấy ví dụ vấn đề đấu giá đất hay không đấu giá đất hiện không có sự đồng nhất, Luật Đất đai hiện hành yêu cầu phải đấu giá nhưng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản thì không. Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ vừa qua, Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị bịt các lỗ hổng trong quy định thực tế đã bị lợi dụng, lạm dụng; đồng thời có lộ trình hạn chế dùng tiền mặt, bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát.
"Chính việc sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các hoạt động, quan hệ kinh tế, thanh toán không qua ngân hàng là bất cập, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, góp phần kiểm soát khó khăn, kể cả khi xử lý vụ án cũng khó khăn" - ông Lê Minh Trí nói.
Bấm nút tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng theo báo cáo cũng như các phát biểu trả lời chất vấn từ sáng tới giờ đều cho rằng nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình tố tụng đều là do nhận thức, cách hiểu chính sách, pháp luật chưa thống nhất, gây ra những khó khăn trong quá trình xét xử…
Ông Tạ Văn Hạ lưu ý vấn đề này đặc biệt rất quan trọng, vì nhận thức mà còn khác nhau thì làm sao xử đúng được.