'Viết' - Bản chúc thư văn chương của Duras
Marguerite Duras nói rằng nỗi cô đơn của văn chương là nỗi cô đơn mà nếu không có nó sẽ không có tác phẩm hoặc tác phẩm sẽ phải nhỏ từng giọt máu để tìm xem phải viết thêm gì
Chắc hẳn nhiều khán giả còn nhớ câu thoại kinh điển trong bộ phim "Titanic": "Trái tim người phụ nữ là đại dương sâu thẳm của những bí mật". Trái tim của những nữ sĩ còn bí ẩn bội phần. Trong một thời khắc hiếm hoi của tuổi xế chiều, văn sĩ Marguerite Duras, một trong những cá tính mạnh mẽ nhất của văn học, hé mở cánh cửa bước vào thế giới văn chương của những "người đàn bà viết" qua cuốn sách có cái tên đi thẳng vào trọng tâm vấn đề: "Viết" (Trần Văn Công dịch, Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành).
Viết để được sống
Như nhiều tác phẩm khác của Duras, "Viết" xê dịch giữa hư cấu và hồi ức, với những ghi chép tản mạn trôi dạt giữa dòng chảy miên man của trí nhớ. Nắm bắt "Viết" là nắm bắt những phiến đoạn rời rạc mà ở đó, Duras thả mình đi để trở về, để phục sinh, để lần đi đến kiệt cùng của sự viết.
Đối với Marguerite Duras, "nếu người ta biết gì đó về điều mình sẽ viết, trước khi làm điều đó, trước khi viết, người ta sẽ không bao giờ viết. Chẳng cần". Bằng cách viết, bà khám phá lời giải đang nằm sâu trong bóng tối. Cho nên đọc Duras, thường có cảm giác những câu văn của bà viết xuống rất dễ dàng, rất ngẫu hứng. Sự ngẫu hứng này đến từ chuyện không sắp đặt trước các tác phẩm của mình. Như bước vào căn phòng tàng trữ ngổn ngang, một món đồ vật nào đó khơi dậy trong bà niềm hứng khởi được viết, bà lần mò theo từng manh mối, tạo tác lại các nguyên liệu thô sơ và hồi sinh cả một vùng ký ức xưa cũ chẳng để cho nó yên ổn.
Vì vậy, không có gì lạ nếu ở tuổi 70, Duras viết một cuốn tiểu thuyết hồi tưởng về mối tình năm 15 tuổi với chàng công tử người Hoa tình cờ gặp gỡ trên một chuyến phà qua Sa Đéc (Người tình). Suốt nửa thế kỷ, kẹt giữa quá khứ và hiện tại là cả một cuộc thế chiến, Duras đã làm gì với ký ức của mình, với kỷ niệm của mình?
Trong suốt những sự nghiệp, có vẻ như Duras chỉ viết về bản thân hay những thứ liên quan đến mình. Nhưng đến một lúc nào đó, ta có cảm giác một niềm hoài nghi gợn trong lòng, rằng giữa những thứ tưởng như rõ ràng, được kể một cách tường tận kia, bao nhiêu là sự thật, bao nhiêu là hư cấu. Hay cả đến chính nhà văn cũng không còn phân biệt được rõ ràng nữa.
Như trong cuốn sách kỳ lạ này, những mẩu chuyện hiện lên, những buổi tiệc, ngôi nhà, một triển lãm, cuộc dã ngoại, cái chết, sự quên lãng… Thoạt trông chúng chả có gì gắn kết với nhau nhưng được đặt trong mạch ngầm xuyên suốt về cách mà thế giới văn chương được tạo dựng lên, cuốn sách được hình thành. "Viết" là cuốn sách viết về sự viết, mà thông qua sự viết đó, Duras được sống.
Trải nghiệm đơn độc
"Viết" hoàn thành năm 1993. Ba năm sau, Marguerite Duras qua đời. Cho nên, nhiều người xem tác phẩm này là "chúc thư văn chương" của Duras. Giữa những đoản thiên có vẻ mông lung của bà, ta thấy sự rắn rỏi từng trải, những đúc kết của một đời văn.
Duras từng thú nhận: "Tôi chưa bao giờ viết mà chỉ tưởng mình đang viết, tôi chưa bao giờ yêu mà chỉ tưởng mình đang yêu". Cho nên, cũng có thể coi những tác phẩm của Duras hàm chứa mầm mống của sự tan vỡ, như thể nó đã kết thúc ở trang cuối cùng nhưng cũng có thể kết thúc ở vài chục trang trước đó. Cái kết của tác phẩm này đã được dự báo ở tác phẩm trước. Và vì thế, nó vẫn tồn tại những dự phóng, cả khi trang sách khép lại, sự sống nhà văn chấm dứt, câu chuyện vẫn còn tiếp tục sinh sôi trong cái thời gian vô cùng tận của mình.
Marguerite Duras không phải là cái tên xa lạ ở Việt Nam - mảnh đất bà gắn bó suốt tuổi thơ và thời hoa niên. Dẫu rằng, tình cảnh mồ côi cha, cũng như sự khánh kiệt của gia đình đã biến những ngày ở xứ thuộc địa xưa kia của bà trở thành ác mộng. Kể cả sau này, khi trở nên giàu có và danh tiếng nhờ sự nghiệp văn chương đồ sộ, bà vẫn không bao giờ quên nỗi ảm ảnh đó.
"Nhiều năm sau chiến tranh, sau những cuộc hôn nhân, những đứa con, những cuộc ly hôn, những sách vở" (trích tiểu thuyết "Người tình"), Marguerite Duras vẫn viết như một người mới bắt đầu. Đối với bà, không có điểm kết thúc, viết là khởi sự vào một hành trình mải miết để chống lại thứ bà đề nhắc đến trong đầu tác phẩm "Viết": Sự cô độc.
Duras nói rất chính xác về điều này: "Nỗi cô đơn của văn chương là nỗi cô đơn mà nếu không có nó sẽ không có tác phẩm, hoặc tác phẩm sẽ phải nhỏ từng giọt máu để tìm xem phải viết thêm gì". Viết là một trải nghiệm đơn độc, người viết vừa muốn vượt qua nỗi cô đơn của mình nhưng cũng đồng thời cần cô đơn để tiếp tục viết.
Cất cao tiếng nói nữ quyền
Bằng chính đời mình và trang viết, Marguerite Duras thường được cho là một trong những nhà văn cất cao tiếng nói nữ quyền đầy mạnh mẽ. Sự phản kháng thế giới nam quyền trong các tác phẩm của bà không thường ngã theo chiều hướng gây sốc, mà chính bằng tính nữ trong các trang viết, bà bất phục tùng cái nhân sinh quan đầy nam tính vốn thống trị trong văn chương, đến mức nhà nữ quyền Pháp François Poulain de la Barre (1647-1723) đòi xem xét tất cả những gì đàn ông viết về phụ nữ bằng sự hoài nghi.
Trưởng thành trong thế kỷ mà các phong trào nữ quyền diễn ra mạnh mẽ trong văn chương, với đại diện tiêu biểu là người đồng hương nước Pháp Simone de Beauvoir, Duras đã góp một tiếng nói đầy nữ tính trong cuộc cách tân văn học.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/viet-ban-chuc-thu-van-chuong-cua-duras-20200306214557673.htm