Viết câu chuyện thịnh vượng chung

Tròn 60 năm sau khi Singapore tách khỏi Malaysia, hai nước đã đạt được thỏa thuận thành lập Đặc khu kinh tế chung Johor - Singapore (JS - SEZ), một khuôn khổ giúp hai nước láng giềng bước vào một liên minh kinh tế chưa từng có, được kỳ vọng mang lại sự thịnh vượng chung mà người dân hai nước tìm kiếm từ lâu.

Sáu mươi năm trước, sự kiện Singapore tách khỏi Malaysia đánh dấu sự sụp đổ đau đớn của một cuộc thử nghiệm chính trị táo bạo nhằm hợp nhất hai vùng lãnh thổ. Những gì bắt đầu của một liên minh dựa trên lời hứa về một tương lai chung và một thị trường chung vào năm 1963 đã tan vỡ do mâu thuẫn không thể hòa giải về mục tiêu chính trị cũng như căng thẳng cộng đồng ngày càng sâu sắc. Đối với Singapore, sự kiện Quốc hội Malaysia bỏ phiếu “trục xuất” Singapore năm 1965 là một khoảnh khắc gây sốc khi họ phải đối mặt với một tương lai bất định. Song đây cũng là cơ hội thúc đẩy quốc gia non trẻ này đi theo con đường độc lập như một thành phố - nhà nước nhỏ.

Năm nay, khi Singapore kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập (SG60), việc Malaysia và Singapore đạt được thỏa thuận thành lập Đặc khu kinh tế chung Johor - Singapore (JS-SEZ) đã định hình mô hình hợp tác mới, biến đối thủ cạnh tranh thành đồng minh phát triển.

Được chính thức hóa tại cuộc họp kín của Thủ tướng hai nước vào ngày 7.1, JS-SEZ đánh dấu mối quan hệ hợp tác mang tính bước ngoặt, kết hợp chuyên môn về công nghệ và tài chính của Singapore với nguồn đất đai, lao động và tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Johor.

 Thủ tướng Singapore Lawrence Wong và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chia sẻ tầm nhìn về Đặc khu kinh tế trong chuyến thăm Malaysia ngày 7.1. Ảnh: Terence Tan/facebook của Tổng thống Lawrence Wang

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chia sẻ tầm nhìn về Đặc khu kinh tế trong chuyến thăm Malaysia ngày 7.1. Ảnh: Terence Tan/facebook của Tổng thống Lawrence Wang

Với diện tích 3.571km2, gấp 4 lần diện tích Singapore, JS-SEZ bao gồm 9 khu vực trọng điểm là Iskandar Puteri, Pengerang, Johor Bahru, Tanjung Pelepas-Tanjung Bin, Pasir Gudang, Senai-Skudai, Sedenak, Forest City và Desaru, tập trung 11 lĩnh vực kinh tế then chốt, từ sản xuất, logistics đến kinh tế số và năng lượng xanh. Theo Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, ngoài các ưu đãi tài chính, sự ổn định chính trị và chính sách kinh tế rõ ràng của cả hai chính phủ sẽ là yếu tố then chốt thu hút đầu tư vào khu kinh tế mới này.

JS-SEZ được thúc đẩy vào thời điểm then chốt. Thương mại song phương giữa hai quốc gia đạt 78,59 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 11.2024, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023. JS-SEZ dự kiến sẽ phát huy đà tăng trưởng này.

Malaysia đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về JS-SEZ, dự kiến đến năm 2030, khu vực này sẽ đóng góp 35,5 tỷ USD vào GDP của nước này, chiếm gần 5% sản lượng kinh tế hiện tại.

Trong khi GDP của Singapore chỉ tăng trưởng khiêm tốn 0,2% trong vòng 5 năm, thì lợi ích lớn hơn nằm ở việc tăng cường mối quan hệ với quốc gia láng giềng gần nhất, thống nhất các lợi ích chiến lược và nâng cao vị thế của nước này trong thương mại và đổi mới toàn cầu.

Các doanh nghiệp Singapore, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ, hiện đang tìm hiểu Johor như một cơ sở có khả năng cạnh tranh về chi phí sản xuất, bổ sung cho các hoạt động có giá trị cao hiện có như nghiên cứu và phát triển (R&D).

Mở khóa lợi thế cạnh tranh

JS-SEZ khác biệt ở khả năng mở khóa, khả năng bù đắp lẫn nhau, tận dụng ưu thế mà mỗi quốc gia có để bù đắp cho nhau. Những điểm bù đắp này nằm trong bốn lĩnh vực rộng lớn, cụ thể là kết nối chuỗi cung ứng, hậu cần, di chuyển của con người và thuận lợi trong thương mại xuyên biên giới.

Đầu tiên, ngành công nghiệp bán dẫn của Singapore, chiếm khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đóng góp hơn 10% sản lượng bán dẫn toàn cầu và khoảng 20% sản lượng thiết bị bán dẫn toàn cầu, sẽ được hưởng lợi từ năng lực lắp ráp và thử nghiệm đang phát triển của Johor. Quá trình hợp tác này có thể tạo ra chuỗi cung ứng khu vực có thể cạnh tranh với Thâm Quyến của Trung Quốc, mang lại khả năng phục hồi và gần với thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo của Johor, như năng lượng mặt trời và sinh khối, có thể cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu tiêu thụ nhiều năng lượng, cho phép các công ty ở Singapore mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng thời thúc đẩy chương trình nghị sự năng lượng xanh toàn cầu.

Thứ hai, Johor có diện tích đất đai dồi dào và chi phí cạnh tranh khiến nơi đây trở thành đối tác lý tưởng cho việc mở rộng các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và công nghệ xanh có trụ sở tại Singapore.

Thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ của ASEAN, dự kiến sẽ vượt quá 300 tỷ USD vào năm 2025, nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng hiệu quả. Với vị trí thuận lợi và được trang bị tốt về hạ tầng, JS-SEZ có vị thế tốt để trở thành trung tâm hậu cần khu vực.

Thứ ba, không giống như các sáng kiến trước đây như Iskandar Malaysia, JS-SEZ ưu tiên kết nối về giao thông. Hệ thống Vận tải Nhanh (RTS), dự kiến mở cửa vào năm 2026, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Johor Bahru và Singapore, giảm tình trạng tắc nghẽn và tạo điều kiện cho người lao động di chuyển. Hệ thống mã QR không cần hộ chiếu dành cho người lao động và quy trình hải quan số hóa sẽ hợp lý hóa các luồng giao dịch xuyên biên giới, giảm đáng kể chi phí giao dịch cho doanh nghiệp.

Cuối cùng, cải cách quản trị là nền tảng cho thiết kế của SEZ. Một trung tâm kinh doanh một cửa tại Johor sẽ xử lý các phê duyệt đầu tư, giải quyết các khiếu nại trước đây về sự chậm trễ của thủ tục hành chính.

Nhiều ưu đãi thuế đặc biệt, bao gồm thuế suất doanh nghiệp thấp hơn và giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia lành nghề, được thiết kế để thu hút các ngành công nghiệp có giá trị cao và nhân tài toàn cầu hàng đầu. Nếu được triển khai thành công, các biện pháp này sẽ biến JS-SEZ thành nam châm thu hút các nhà đầu tư. Với tham vọng tạo ra 20.000 việc làm kỹ năng cao trong 5 năm đầu tiên, JS-SEZ không chỉ là dự án kinh tế thuần túy. Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhấn mạnh tiềm năng lớn nhất của đặc khu kinh tế này không chỉ là việc các doanh nghiệp Singapore đến Johor, mà là cả hai bên cùng làm việc để thu hút các dự án đầu tư mới trên toàn cầu”.

Mối liên kết được tái hiện theo một hình thái mới

JS-SEZ tiêu biểu cho mối liên kết chặt chẽ giữa Singapore - Malaysia trước kia trong một hình thái mới - quan hệ đối tác dựa trên lợi ích chung và tầm nhìn kinh tế, vượt ra ngoài tiềm năng mà "sự sáp nhập cơ học" Malaysia - Singapore năm 1963 từng hình dung.

Khuôn khổ hợp tác này cho phép cả hai bên vượt qua những hạn chế quốc gia, trở thành một tuyên bố táo bạo về sự tin tưởng rằng hợp tác kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong một thế giới được đánh dấu bằng chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc kinh tế ngày càng gia tăng và các rào cản thương mại ngày càng phổ biến.

Đối với Singapore, khu vực này mang đến cơ hội chiến lược để vượt qua những hạn chế về mặt vật chất và cấu trúc, vạch ra con đường cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lawrence Wong, đồng thời củng cố mối quan hệ với nước láng giềng gần nhất.

Đối với Malaysia, dự án này có tiềm năng biến Johor thành một trung tâm sản xuất, thu hút đầu tư toàn cầu và thúc đẩy phát triển khu vực trong quan hệ đối tác được ký kết khi Thủ tướng Anwar Ibrahim giữ chức Chủ tịch ASEAN.

60 năm sau khi Singapore và Malaysia chia cắt, JS-SEZ mang đến cho cả hai quốc một bức tranh mới để viết lại câu chuyện chung của họ như những đối tác bổ sung cho nhau, đoàn kết vì các mục tiêu chung cho chính họ và khu vực trong bối cảnh toàn cầu ngày càng phức tạp.

Như Thủ tướng Singapore Wong đã nói: “Sự cạnh tranh lớn hơn mà chúng ta phải đối mặt không phải giữa chúng ta trong ASEAN - mà là bên ngoài khu vực. ASEAN phải đoàn kết lại, tìm cách nâng cao đề xuất giá trị của chúng ta và cùng cạnh tranh với các đối thủ quốc tế”.

Lịch sử có thể không lặp lại, nhưng nó thường vần điệu; đối với Singapore và Malaysia, JS-SEZ cuối cùng có thể mang lại sự thịnh vượng chung mà người dân của họ đã tìm kiếm từ lâu.

Quốc Đạt (Theo Asia Times)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-cau-chuyen-thinh-vuong-chung-post402459.html