Viết cho trẻ như một sự chữa lành

Thông qua việc dạy những đứa trẻ cách trồng một cái cây và nhìn những ngôi sao trên đời, người cựu binh có thể tìm sự an ủi và chữa lành những chấn thương tinh thần.

 Sách Thung lũng Đồng Vang. Ảnh: NXB Trẻ.

Sách Thung lũng Đồng Vang. Ảnh: NXB Trẻ.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói: Sống dễ lắm, cứ nhìn vào mắt trẻ con mà sống! Có thể vậy nhưng viết về trẻ em và viết cho trẻ em thì chắc không dễ như thế. Bằng chứng là cho đến giờ, số lượng nhà văn của chúng ta viết cho trẻ em và viết cho trẻ em thành công không hề nhiều. Tất nhiên, có những nhà văn, nghiệp văn dành gần hết cho trẻ. Nhưng cũng có những nhà văn, viết cho trẻ em là một ngã rẽ hay là một chỗ thêm vào, có thể thành công, có thể không, bên cạnh một sự nghiệp cơ bản là viết cho người lớn.

Trung Sỹ thuộc dạng thứ hai này và tôi nghĩ, với anh, chuyện viết cho trẻ em còn khó khăn hơn nhiều nhà văn khác bởi lẽ anh bước thẳng từ thế giới của Chuyện lính Tây Nam, của Đội trinh sát và con chó Sara vào thế giới của những đứa trẻ Đồng Vang.

Từ thế giới của cái chết, của bạo hành, của sự tra tấn cùng cực tính người, anh bước thẳng vào thế giới của những đứa trẻ, đang lớn lên, ở một xóm núi, nơi những người Kinh và những người Tày sống cùng với nhau, nơi ngôi trường có mảnh vườn nhìn xuống dòng sông, nơi có những ngôi nhà năm gian giữa vườn nhãn bên cạnh những cánh đồng đậu tương kề bên rừng quế, rừng hồi, nơi mà ngày ngày, người dân chèo mảng sang bên kia sông, đi sâu vào núi, làm ruộng và đi rừng, nơi những đứa trẻ sau giờ học rong chơi ngoài đồng bãi, triền đồi và những dải bờ sông, suối. Tất nhiên, ở giữa hai thế giới ấy còn có một thế giới của Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu.

Từ thế giới của cái chết bước vào thế giới trẻ thơ trong trẻo

Không được tạo nên từ những hồi tưởng như Miền thơ ấu hay Tuổi thơ im lặng, có thể nói, Thung lũng Đồng Vang của Trung Sỹ là một cuốn sách dành cho trẻ em thực sự, nghĩa là một cuốn sách dõi theo hành trình lớn lên và chớm trưởng thành của những đứa trẻ, ở đấy, nhà văn chấp nhận rời khỏi thế-giới-của-mình (dù là của-mình với tư cách một hồi tưởng) để bước chân vào thế-giới-của-trẻ.

Gói trọn trong khoảng thời gian khoảng gần một năm, từ mùa xuân năm trước đến Tết năm sau, cuộc hành trình đó được mở đầu bằng một hạt giống được gieo xuống, và nảy mầm, như một ẩn dụ. Trong một năm ấy, rất nhiều thứ cũng sẽ được gieo xuống và nảy mầm trong tâm trí của những đứa trẻ, những nhân vật chính của cuốn sách. Chúng sẽ ngắm nhìn cây cối đâm chồi và thay lá. Chúng sẽ học những bài học về thế giới xung quanh, thiên nhiên đẹp đẽ và thanh khiết, nơi có cá tôm, sâu bọ, chim chóc, cây cối và rất nhiều loài vật, chúng sẽ sống trong tình thầy trò và tình bè bạn, tình gia đình và tình hàng xóm.

 Minh họa của Hồ Quốc Cường trong sách. Ảnh: NXB Trẻ.

Minh họa của Hồ Quốc Cường trong sách. Ảnh: NXB Trẻ.

Thung lũng Đồng Vang của Trung Sỹ đầy những trang rất đẹp về thiên nhiên và phong tục, về cuộc sống làng xóm và nhà trường. Anh viết rất hay về hình hài những con chuồn chuồn, về những con cá, về một bữa cỗ, về những thứ cây cỏ hoa lá tầm thường nhưng tuyệt đẹp trên những triền đồi và những bờ bãi. Thay vì làm giống không ít nhà văn là đẩy lũ trẻ vào một cuộc phiêu lưu nhiều khi hiểm nguy với một thế giới đầy những cạm bẫy thì Trung Sỹ chọn cách tạo nên một thế giới thuần khiết, trong sáng và nhẹ nhõm.

Tất cả phiền hà và dữ dội, những phức tạp và ẩn ức đều dừng lại ở ngưỡng của thế giới này. Có lẽ vì vậy mà không ít câu chuyện như câu chuyện của thầy giáo Thức, một gia đình có người ông mất năm 39 tuổi trong một chuyến thương hồ trên sông hay câu chuyện của ông Kiền, người cựu chiến binh với rất nhiều ẩn ức trong lòng cứ bị treo lại.

Ở một góc độ, đó là một sự dở dang nhưng ở một góc độ khác thì cái sự dở dang ấy lại tô đậm ranh giới của thế giới Đồng Vang, một thế giới mà những thứ phiền toái “người lớn” sẽ dừng lại không thể bước vào.

Không kì vĩ và đầy nguy hiểm như rừng rậm của Hùng, Đồng Vang của Trung Sỹ là một thế giới của những thứ bé nhỏ. Ngay đến con rắn trong vũ trụ của anh cũng là một thứ tuyệt đối vô hại. Những con giải khổng lồ hay những con hổ đêm đêm ngồi ngoài nhà sàn rình người chỉ còn là những câu chuyện của ký ức.

Đồng Vang như một đối âm với cái thế giới trong những tập sách của Trung Sỹ về cuộc sống của người lính ở chiến trường Campuchia. Ở cuốn sách cho trẻ em này, anh có một ý thức rất mạnh về mức độ và sự kiềm chế. Anh dựng lên một thế giới đẹp đẽ để lũ trẻ lớn lên bằng cách quan sát một cái hạt nảy mầm, những con cá bé nhỏ được câu về thêm vào bữa cơm hay những con chuồn chuồn đủ loại. Anh viết rất hay về một chuyến xe đêm trôi qua những vùng đất, với ánh đèn ngoài cửa sổ như đánh dấu từng phố trấn đi qua.

Dẫu vậy, Trung Sỹ không tuyệt đối hóa cái vũ trụ trong trẻo của những đứa trẻ. Có không ít thứ thuộc về cuộc đời xô bồ của người lớn cũng hiện hữu trong đó: một cái cửa sổ chắc thiếu một chút vật liệu nên rơi xuống giữa giờ học; một cô đồng lợi dụng ngôi miếu trên đồi để thủ lợi trên sự mê tín của dân chúng hay những con thuyền của đám người đêm đêm tàn sát cá trên sông bằng điện.

Tuy vậy, anh khéo léo hóa giải những thứ phiền toái ấy bằng một sự hài hước rất trẻ thơ và một cách cư xử rất “biết điều” của người lớn. Cũng chính cái nhìn thơ ngây và sự hài hước ấy làm cho những bài học đạo lý, những bài giảng văn chương, những câu chuyện ngụ ngôn về đời sống được đan cài trong truyện một cách rất nhẹ nhõm.

Đó là thử thách mà bất cứ người viết cho thiếu nhi nào cũng sẽ phải đối diện: tạo dựng lên một thế giới trong trẻo và đẹp đẽ như một giấc mơ nhưng vẫn phải là thế giới này, thế giới mà những đứa trẻ đang phải sống, đang phải chứng kiến với rất nhiều những điều không hề lí tưởng, không hề “màu hồng”. Trong cái thế giới ấy, những đứa trẻ vừa được lớn lên một cách tự nhiên, phải đối diện với những điều không hề đẹp đẽ và lý tưởng nhưng vẫn được chăm chút để giữ được sự thiện lương bẩm sinh.

 Tác giả Trung Sỹ. Ảnh: FBNV.

Tác giả Trung Sỹ. Ảnh: FBNV.

Khởi đầu mới của nhà văn

Trong thế giới Đồng Vang của Trung Sỹ, giữa rất nhiều thứ dang dở, có hai thứ rất đặc biệt: bức thư người cựu binh định viết gửi hai đứa cháu và cây muồng hoàng yến được những đứa trẻ trồng trong vườn trường cạnh bến sông sau giờ sinh học.

Tất nhiên, hai thứ đó có quan hệ với nhau. Cây muồng hoàng yến được nảy mầm từ những hạt giống mà người lính mang về từ Campuchia. Những hạt giống ấy được trao lại cho bọn trẻ, được gieo xuống và nảy mầm trên một vùng đất xa lạ. Nó chứng kiến những lũ trẻ lớn lên cũng giống như người cựu chiến binh già thay thế bố mẹ chúng nuôi dạy chúng nên người.

Thung lũng Đồng Vang sẽ là một khởi đầu mới nhiều hứa hẹn của một người đã quá nhiều duyên nợ với chiến tranh.

Trong dòng chảy của câu chuyện, bức thư của người lính già chỉ là một chi tiết thoáng qua. Một buổi sáng mùa đông, ông viết những dòng chữ đầu tiên xuống cuốn sổ trắng, đầy khó khăn, cố hé lộ một cái gì phức tạp, một câu chuyện cuộc đời, một lịch sử của một gia đình mà có những điều còn chưa được minh bạch, một lịch sử mà nhiều khi người ta phải “tự đẽo gọt chân mình cho vừa giày”. Thế rồi bức thư bị bỏ dở. Đến hết cuốn sách người đọc cũng không còn biết thêm gì về nó, về câu chuyện mà người lính muốn gửi lại trong nó, cũng như cây muồng hoàng yến.

Bị ám ảnh bởi cái sự dở dang ấy, tôi đã nghĩ về Hemingway. Ở điểm khởi đầu của sự nghiệp văn chương, E. Hemingway viết một truyện ngắn báo hiệu nguyên lý tảng băng trôi của ông: Sông lớn có hai dòng (Big two-hearted river). Trở về từ địa ngục Thế chiến thứ nhất, một người lính tìm về thị trấn cũ, nơi đã bị hỏa hoạn tàn phá hoàn toàn, đi sâu vào đầm lầy và dòng sông, cắm trại và câu cá, tìm sự an ủi và chữa lành những chấn thương tinh thần bằng cách sống lại những thứ tầm thường nhất của một con người giữa sự an ủi của thiên nhiên hoang dã: cắm trại giữa đồng hoang, nấu một bữa ăn, bắt những con châu chấu và câu cá từ dòng nước lạnh.

Tôi tin rằng, ông Kiền, người cựu chiến binh của Trung Sỹ cũng đang cố tìm một sự chữa lành như thế, nhưng bằng một cách khác, không phải trong sự cô độc giữa những ký ức và thiên nhiên mà thông qua việc dạy những đứa trẻ cách trồng một cái cây và nhìn những ngôi sao trên đời, những điều, có thể sau này sẽ là vô bổ trong một thế giới thực tế đến tàn nhẫn của “người lớn” nhưng lại tuyệt đối cần thiết cho một tâm hồn lành mạnh.

Nhìn theo góc độ đó, sự dở dang của bức thư viết cho những đứa cháu, biết đâu, cũng là một nỗ lực. Nỗ lực để khép lại và bước ra khỏi ký ức và khởi đầu một cuộc đời khác, bằng gieo trồng và chờ đợi nảy mầm những hạt giống thiện lương trong tâm trí của những đứa trẻ.

Đồng Vang, biết đâu sẽ là một sự khởi đầu mới nhiều hứa hẹn trong tương lai của một người đã quá nhiều duyên nợ với chiến tranh.

Phạm Xuân Thạch

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viet-cho-tre-nhu-mot-su-chua-lanh-post1359970.html