'Việt hóa' chương trình truyền hình: 'Chìa khóa' thu hút đông đảo khán giả
Trong quá trình làm lại các chương trình truyền hình mua bản quyền từ nước ngoài, việc bản địa hóa, điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp là điều cần thiết để thu hút sự quan tâm của công chúng. Song đội ngũ đảm nhận công việc này đã và đang đối mặt với không ít khó khăn trước sự thay đổi về thị hiếu, những đòi hỏi về sáng tạo khi truyền tải các yếu tố văn hóa địa phương xuyên suốt chương trình.
Loay hoay tiếp cận khán giả nội địa
Dẫu có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất truyền hình, thế nhưng, Phan Như, hiện là biên kịch, biên tập viên tự do tại Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn gặp nhiều khó khăn khi xây dựng kịch bản cho các chương trình có format (định dạng) được mua từ nước ngoài và làm chúng đến gần hơn với khán giả trong nước.
“Xu hướng làm lại các chương trình truyền hình lấy bản quyền từ nước ngoài được nhiều công ty truyền thông đầu tư rầm rộ trong những năm gần đây. Tôi từng phụ trách biên tập cho khoảng 6 chương trình theo dạng này. Tuy nhiên, mỗi khi họp sản xuất, ê-kíp vẫn gặp nhiều áp lực để tìm lời giải đáp cho câu hỏi: làm thế nào để đưa phiên bản mới này đến gần hơn với công chúng”, Phan Như chia sẻ.
Khi thiết kế gói chương trình truyền hình vì mục tiêu thương mại, các nhà sản xuất quốc tế luôn tìm cách để thoát khỏi những đặc trưng của văn hóa địa phương và gia tăng yếu tố toàn cầu hóa. Tuy nhiên, thời điểm sản phẩm được mua lại, quá trình này sẽ diễn ra trái ngược. Bằng mọi cách, các công ty truyền thông nội địa sẽ tìm hướng bản địa hóa và làm mới chúng từ format gốc.
Hiểu đơn giản, bản địa hóa là điều chỉnh ý tưởng, sản phẩm hoặc dịch vụ… để phù hợp hơn với sự đón nhận của xã hội, ngôn ngữ và văn hóa của từng quốc gia. Đây là khâu quan trọng trong dây chuyền mua-bán bản quyền được các công ty truyền thông và nhà đài chú trọng.
Theo Phan Như, ê-kíp sản xuất bị giới hạn sáng tạo trước những cam kết với đối tác về khung nội dung dù trong một số chương trình, họ buộc phải thay đổi hoàn toàn đường dây kịch bản mới có thể tiếp cận thành công khán giả Việt.
Từ cấu trúc gốc, ê-kíp sản xuất thường thêm thắt những yếu tố liên quan đến con người, văn hóa, lịch sử và địa lý đặc trưng. Các nội dung này làm nên nét bản sắc riêng của mỗi quốc gia khi cùng phát sóng dựa trên một format, mang đến sức sống và sự hấp dẫn trước khán giả nội địa.
Cần cân bằng giữa yếu tố văn hóa và giải trí
Trên thực tế, bản địa hóa các gameshow, chương trình truyền hình không chỉ thể hiện trên bình diện ngôn ngữ, kết cấu trò chơi hay đối tượng tham gia, mà còn được nhận diện như là quá trình tiếp biến văn hóa. Do đó, cần có sự trao đổi kỹ càng giữa công ty nắm giữ bản quyền và ê-kíp mua lại sản phẩm để thỏa thuận về các điều kiện đi kèm, tránh mâu thuẫn trong thông điệp, mục đích sản xuất.
Hầu hết, chất liệu văn hóa truyền thống thường được lồng ghép thông qua những trò chơi và khám phá của nhân vật trải nghiệm. Là một trong những chương trình thành công khi đạt cân bằng giữa yếu tố văn hóa và giải trí, “2 ngày 1 đêm” duy trì phát sóng qua 3 mùa trên kênh HTV7 gây ấn tượng với lượng người xem đông đảo trên các nền tảng số.
Chương trình truyền hình thực tế “2 ngày 1 đêm” phiên bản Việt Nam được mua lại format từ gameshow cùng tên do Đài Truyền hình KBS, Hàn Quốc sản xuất. Theo dõi hành trình của dàn khách mời, công chúng được khám phá các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trải dài khắp đất nước và chiêm ngưỡng ẩm thực độc đáo của từng vùng, miền.
Có được sự thành công này là nhờ quyết định chuyển hướng nhanh chóng của đội ngũ sản xuất. Bởi trước đó, “2 ngày 1 đêm” với dàn khách mời chủ yếu là các nghệ sĩ hài chỉ tập trung thể hiện khía cạnh giải trí mà quên đi nhu cầu tìm hiểu, tiếp nhận thông tin của khán giả truyền hình. Chính những yếu tố độc đáo về lịch sử và địa lý được lồng ghép khéo léo đã làm nên sức hấp dẫn của chương trình.
Từ góc độ nhà sản xuất, biên tập viên Phạm Thị Phương Nhi thuộc Tập đoàn truyền thông Madison cho biết: “Ê-kíp chương trình cần cân bằng giữa yếu tố văn hóa và giải trí ở mặt nội dung, hình thức để đáp ứng thị hiếu người xem, lẫn các yêu cầu của nền tảng phát sóng. Khi lồng ghép những kiến thức lịch sử và địa lý, biên tập viên nên đặc biệt cẩn trọng trong việc xử lý thông tin”.
“Việc sản xuất lại các chương trình truyền hình nổi tiếng trên thế giới góp phần nâng cao khả năng thưởng thức của công chúng cả nước. Tuy nhiên, nếu không ‘Việt hóa’ đúng cách, khai thác tốt những nét văn hóa đặc trưng của quốc gia thì sẽ dẫn tới câu chuyện lai căng trên sóng truyền hình. Bên cạnh đó, công tác kiểm duyệt trước khi lên sóng phải chặt chẽ, nhằm bảo đảm chất lượng của chương trình”, Thạc sĩ Phan Văn Tú, giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định.