Việt Hương đã khác

Không còn hình ảnh ồn ào, hài lố hay giỡn hớt, Việt Hương của 'Ma da' và 'Chị dâu' là một nỗ lực đáng ghi nhận của chị trong diễn xuất điện ảnh.

Chị dâu được cầm trịch bởi Khương Ngọc, đạo diễn trước đó từng ngã ngựa với “thảm họa phim Việt” Live: Phát trực tiếp (2023). Bởi vậy mà lần trở lại này của anh ban đầu không nhận được nhiều kỳ vọng. Nhất là sau khi poster phim ra mắt, với hình ảnh cô gái trẻ quỳ gối trước mặt người đàn bà, Chị dâu tạo cảm giác sẽ lại là một màn kịch trả thủ, đánh ghen - những drama xuất hiện “nhiều phát ngán” trên màn ảnh Việt.

Thế nhưng, phim khi trình làng đã gây bất ngờ. Chất lượng tác phẩm được đánh giá khá tốt so với mặt bằng phim nội địa năm 2024. Những ngày gần đây, Chị dâu trở thành đề tài bàn luận rôm rả trên mạng xã hội, kéo theo mức độ nhận diện tăng cao, phần nào tác động trực tiếp tới doanh thu.

Chỉ sau 5 ngày chiếu đầu tiên, ê-kíp thông báo phim thu hút 600 nghìn lượt xem, dắt túi 45 tỷ đồng - những con số gây ngỡ ngàng với khán giả lẫn giới quan sát.

Việt Hương được khen

Một trong số chủ đề được bàn luận nhiều nhất xoay quanh bộ phim của Khương Ngọc những ngày qua là Việt Hương. Ngoài việc thủ vai chính, diễn xuất của chị cũng được khán giả quan tâm.

Trong phim, nữ diễn viên sinh năm 1976 hóa thân dâu trưởng hai Nhị - người chị “thét ra lửa” trong nhà. Sau khi chồng qua đời, cô một tay gánh vác nhiều việc lớn nhỏ. Ngày giỗ mẹ chồng, hai Nhị gọi 4 cô em về tụ họp, làm mâm cơm thết đãi bà con xóm giềng. Cũng trong đám giỗ, dâu trưởng tuyên bố sẽ sửa sang lại căn nhà từ đường bị thời gian làm cho xập xệ, mục nát.

Quyết định của hai Nhị thổi bùng lên sóng gió giữa 5 chị em. Toàn bộ mâu thuẫn tình cảm gia đình, tiền bạc chất chứa bao năm, cuối cùng cũng có dịp xả hết.

 Chị dâu thu 45 tỷ đồng sau 5 ngày chiếu.

Chị dâu thu 45 tỷ đồng sau 5 ngày chiếu.

Đây là lần đầu tiên mối quan hệ chị dâu - em chồng được đưa lên màn ảnh rộng Việt.

Thế nhưng, đường dây câu chuyện Chị dâu thực tế không mới, gợi nhớ Đêm tối rực rỡ (2022), hay gần nhất là Lật mặt 7 (2024). Cốt truyện nhìn chung đơn giản, xoay quanh bối cảnh chính là căn nhà từ đường tại miền quê. Đám giỗ là “cái cớ” để các chị em quây quần, xum họp. Song cũng tại đó, không hề có sự xuất hiện của những người đàn ông trong gia đình.

Đây là cách đạo diễn Khương Ngọc đặt vấn đề trọng tâm của phim. Chị dâu từ đám giỗ trở thành sân khấu, nơi phơi bày những suy nghĩ, toan tính mà các chị em giấu kín bấy lâu. 5 người đàn bà thuộc các thế hệ, vai vế, hoàn cảnh sống khác nhau, nên việc dễ phát sinh xung đột không mấy khó hiểu.

Điều đặc biệt là Khương Ngọc đã tìm được sợi dây kết nối giữa họ: đó là cuộc sống tình cảm, hôn nhân không hạnh phúc. Đằng sau những màn “xù lông nhím” là 5 tâm hồn tổn thương cần chữa lành. Chỉ là họ chưa biết cách, chưa tìm được lối thoát cho cuộc sống bế tắc. Để rồi khi bị những ấm ức dồn nén làm cho kiệt sức, rã rời, những người đàn bà không kìm nổi mà quay sang trút giận lên nhau.

Nhân vật của Việt Hương được đặt ở trung tâm phim. Ở tuổi trung niên, hai Nhị sống cô độc, chồng mất vài năm trước, con trai cũng du học biệt tăm. Những cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con dừng lại ở vài phút video-call gấp gáp, ngắn ngủi.

Không chỉ lẻ loi trong tổ ấm riêng, cô còn trơ trọi giữa cả đại gia đình bên nội. Hai Nhị thuộc tuýp phụ nữ truyền thống, lại khó tính khiến các cô em chồng không ưa. Chỉ có điều, bà chị dâu này vừa giàu có, lại “thét ra lửa” nên ít ai dám thể hiện thái độ ra mặt. Họ nói xấu sau lưng chị, bằng cách lập nhóm chat riêng.

Việt Hương trong một vai “đo ni đóng giày” được thỏa sức diễn với đủ đất tỏa sáng. Cô hiện lên là một người đàn bà đầy tâm sự, bải hoải trong nỗi cô độc tuổi trung niên với lắm nỗi niềm chất chứa trong đáy mắt. Nó là những đêm mất ngủ vì nhớ con, nhớ chồng, là cảm giác trống rỗng vì ngày qua ngày lủi thủi lẻ bóng, là những lo sợ về căn bệnh khiến da nhợt nhạt như "quên đánh má hồng", khiến tóc rụng ngày một nhiều hơn...

 Hai vai diễn gần nhất của Việt Hương đều nhận phản hồi tích cực.

Hai vai diễn gần nhất của Việt Hương đều nhận phản hồi tích cực.

Dù bị xem thường vì quê mùa, ít học, hai Nhị vẫn gắng sức thu xếp chu toàn mọi việc, giữ gìn gia phong cho gia đình. Cô không quản phiền phức mà lo toan cho những người em dâu vốn không phải máu mủ ruột rà. Cũng bởi vậy mà sự khó tính thái quá của nhân vật cũng dễ thông cảm.

“Lột xác”

Việt Hương chỉ trong nửa cuối năm 2024 đã dắt túi 2 vai chính ấn tượng. Gần nhất, Ma da của chị ra mắt hồi tháng 8 thu 128 tỷ đồng, là phim kinh dị nội địa ăn khách nhất lịch sử. Nhân vật Lệ - người đàn bà hành nghề vớt xác - được đánh giá là vai diễn “lăn xả” nhất sự nghiệp kéo dài 3 thập kỷ của Việt Hương. Chị mất nhiều thời gian học bơi, lặn để ghi hình những cảnh mạo hiểm vùng sông nước, có những cảnh phải ngâm mình dưới nước lạnh nhiều giờ mỗi ngày...

Nỗ lực ấy được đền đáp khi khán giả nhận xét Việt Hương là điểm sáng lớn nhất Ma da. Với diễn xuất tự nhiên, nhân vật bà Lệ dưới màn thể hiện của chị có nhiều khoảnh khắc tỏa sáng, dù kịch bản còn không ít hạn chế.

Ở nhiều phim điện ảnh trước đó, điển hình trong Sám hối (Peter Hein) hay Trà (Lê Hoàng), sự xuất hiện của Việt Hương vẫn thường gắn với cái mác ồn ào, “over” khi mang nặng tính sân khấu hoặc hài lố. Thể hiện phô trương với những biểu cảm quằn quại khiến nhân vật trở nên kịch quá mức cần thiết. Song đến Ma da, Việt Hương đã tiết chế, không lạm dụng những màn pha trò chọc cười khán giả hay thoại cãi vã ồn ào.

Sự “lột xác” đó tiếp tục thể hiện rõ nét ở Chị dâu. Nhân vật hai Nhị cho thấy sự nghiêm túc của nữ nghệ sĩ trong diễn xuất điện ảnh. Không làm lố, pha trò, Việt Hương “tĩnh” hơn, có những khoảnh khắc “bỏ nhỏ” đắt giá, mời gọi khán giả vào không gian nội tâm nhân vật một cách tự nhiên.

Chị nhập vai sâu, cho thấy dụng công nghiên cứu tâm lý và tính cách vai diễn. Những phẩm chất của một người đàn bà hy sinh vì gia đình hiện lên gần gũi, không mới song vẫn dễ chạm vào cảm xúc. Sự cống hiến đó diễn ra trong thầm lặng, không tính toán, như cách chồng cô út nói chị “chỉ làm mà không nói, phải để cho người ta biết chị làm” , hay cô em dâu ba Kỳ cảm thán hai Nhị “bớt làm chị đi, hãy thương bản thân mình đi”.

 Diễn xuất của Việt Hương là điểm sáng lớn nhất Ma da.

Diễn xuất của Việt Hương là điểm sáng lớn nhất Ma da.

Cao trào Chị dâu bùng nổ cũng là lúc Việt Hương ghi điểm ấn tượng. Nữ diễn viên cho thấy từng diễn biến cảm xúc uyển chuyển trong thước phim dài, khi nhân vật của chị lần lượt đối diện 4 cô em sau phút cãi vã, vạch trần nhau. Từng câu thoại được dằn xuống bởi cảm xúc thất vọng, trống rỗng và bất lực. Một bà chị dâu “thét ra lửa” ngày nào cũng tới lúc chịu hết nổi, phải cởi bỏ lớp áo xù xì, gai góc tự khoác lên mình bấy lâu.

Từng cung bậc cảm xúc được tái hiện rõ nét, xen bởi tiếng nức nở khe khẽ và cách hai Nhị cố gạt đi hàng nước mắt đang lăn dài. Chị cố mạnh mẽ, cứng cáp trước sóng gió, nhưng rốt cuộc cũng không thắng nổi “cơn bão” trong lòng. Khoảnh khắc bà dâu trưởng gục mặt nức nở, dù chỉ thoáng qua, vẫn để lại dư âm mạnh mẽ trong lòng khán giả.

Việt Hương khéo léo ở chỗ không làm cho cả trường đoạn căng thẳng trở nên kịch và nặng nề, ngập trong cãi vã và nước mắt, trong bi kịch của mâu thuẫn “ai đáng thương, đáng trách hơn ai”. Những khoảnh khắc bỏ nhỏ, ngập ngừng khiến cả nhân vật và người xem có không gian để suy ngẫm, chầm chậm thấu hiểu cho xúc cảm của nhân vật,

Cho tới khi cơn bão qua đi, những người đàn bà chẳng ai hả dạ, vui sướng sau khi nỡ làm tổn thương nhau. Họ mỗi người một góc, thịnh lặng nhìn về xa xăm sau từng ấy sóng gió trải qua trong một đêm thức trắng. Hai Nhị lẳng lặng dưới hiên nhà tan hoang vì cơn bão càn quét, trầm mặc tựa một cái xác không hồn.

Khoảnh khắc tĩnh lặng đầy tự sự đó, mấy ai nhận ra một Việt Hương từng quen với ồn ào, hài lố và giỡn hớt?

Tống Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/viet-huong-da-khac-post1520818.html