Việt - Mỹ ký kết 5 thỏa thuận kinh doanh lớn trị giá hàng tỉ USD
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dẫn đầu đoàn doanh nghiệp 35 thành viên, trong đó có giám đốc điều hành từ 17 công ty hàng đầu của Mỹ, đến Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm 3 nước của phái đoàn doanh nghiệp Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và một phái đoàn gồm các quan chức chính phủ Mỹ và giám đốc điều hành từ 17 công ty hàng đầu của Mỹ đến Hà Nội từ ngày 7-11. Chuyến thăm này là một phần của một nhiệm vụ thương mại lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các điểm dừng ở Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia).
Trong thời gian ở Hà Nội, Bộ trưởng Ross và các đại biểu doanh nghiệp đã tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp hội Thương mại Mỹ và các bên liên quan khác trong khu vực công - tư của Việt Nam để thảo luận về hợp tác thương mại và đầu tư Mỹ - Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, y tế, vận tải và đô thị thông minh.
Ngày 8-11, Bộ trưởng Ross và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến việc ký kết 5 thỏa thuận kinh doanh lớn cùng các biên bản ghi nhớ (MOU) giúp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác thương mại Mỹ - Việt Nam
Trong đó, Công ty AES có trụ sở tại Virginia đã ký một biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương nhằm củng cố hợp tác trong dự án Nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp Sơn Mỹ 2. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt dự án là kết quả của khoản đầu tư 1,7 tỉ đô la này vào tháng 9-2019. Cùng với kho cảng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ trị giá 1,4 tỉ USD, nhà máy này có tổng vốn đầu tư gần 3,1 tỉ USD và sẽ đóng vai trò lớn trong việc định hình tương lai năng lượng của Việt Nam bằng cách đa dạng hóa nguồn năng lượng. Nhà máy điện dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 2024.
Công ty Varian Medical Systems có trụ sở tại California đã ký kết một biên bản ghi nhớ với Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế Quốc gia về hợp tác chiến lược trong bảo trì và kiểm định các máy gia tốc tuyến tính Varian hiện có và trong tương lai. Việc này sẽ giúp tối đa hóa số lượng bệnh nhân ung thư có thể được điều trị bằng máy gia tốc tuyến tính Varian trong một ngày. Để giúp chuyển giao các biện pháp điều trị ung thư hiệu quả tại Việt Nam, Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) cam kết hỗ trợ lên tới 1 triệu USD cho một chương trình đào tạo quan trọng dành cho các chuyên gia y tế liên quan đến việc mở rộng các dịch vụ điều trị ung thư mà biên bản ghi nhớ này sẽ mang lại.
Tại buổi lễ, Vietnam Airlines đã ký kết 2 thỏa thuận. Thỏa thuận đầu tiên là thỏa thuận bảo trì động cơ trong nhiều năm với công ty Pratt&Whitney có trụ sở tại Connecticut trị giá khoảng 1 tỉ USD. Vietnam Airlines cũng ký kết một thỏa thuận trị giá nhiều triệu USD với công ty Sabre Airline Solutions có trụ sở tại Dallas, Texas, áp dụng các giải pháp sẽ tăng cường khả năng dự báo và kiểm soát năng lực, giúp tối đa hóa doanh thu và thiết lập nền tảng cho việc chào giá năng động.
Các công ty trong phái đoàn bao gồm: AES Corporation, Baxter International, Bechtel, Bell Textron, Boeing, Capstone Turbine Company, Cheniere Energy, Citi, Honeywell International, LNG Limited/Magnolia LNG, Lockheed Martin, Qualcomm, Securiport, Sierra Nevada, Tellurian, Tesla và Varian Medical Systems, cũng như Hội đồng các công ty kỹ thuật Mỹ.