Việt Nam 2024: Bình yên vượt thử thách
Có một người bạn phóng viên ở DealstreetAsia hỏi tôi, đâu sẽ là điểm nhấn của Việt Nam trong năm 2024? Tôi chọn 'bình yên' (peaceful).
Bình yên giữa cơn bão
Bình yên, hòa hoãn sẽ giúp cho mọi thách thức trong tầm kiểm soát.
Hãy lấy năm 2023 làm ví dụ. Năm 2023 là một năm đầy thử thách, nhưng “về đích” an toàn. Đầu năm, là những diễn biến bất lợi từ các ngân hàng Mỹ, sự đi xuống tiếp tục của kinh tế Trung Quốc bất chấp việc đã mở cửa lại nền kinh tế sau “Zero Covid”. Đến giữa năm thì tăng trưởng khó khăn, giải ngân đầu tư công ở một số tỉnh, thành phố thấp hơn 40%, xuất khẩu giảm. Đến cuối năm có thể đạt 5,05% tăng trưởng đã là thành công, dù không như kỳ vọng đầu năm. Theo tôi, sự ổn định về chính trị và những thành tựu về ngoại giao trong năm tạo tiền đề rất tốt để Việt Nam hóa giải những thách thức nội sinh và ngoại sinh.
Vì sao nói như vậy? Vì chúng ta bình yên, nên khi thế giới đầy sóng gió, nhà đầu tư mới tin tưởng đầu tư vào Việt Nam.
Địa chính trị trở thành nỗi lo lớn trong bối cảnh nhiều điểm nóng toàn cầu được đốt nóng trong năm 2023, từ những điểm nóng mới ở phía Dải Gaza hay là điểm nóng Ukraine vẫn còn đó, cho tới Biển Đỏ vào dịp cuối năm. Câu chuyện Đài Loan - Trung Quốc vẫn không ngừng khiến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc lẫn Triều Tiên quan tâm.
Trong một năm đầy thử thách như vậy, Việt Nam lại có nhiều tin vui về phía ngoại giao, trong đó điểm nhấn lớn là việc người đứng đầu của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Hơn thế nữa, Việt Nam nâng cấp mối quan hệ với Mỹ và Nhật Bản thành Đối tác Chiến lược toàn diện. Điều đó phản ánh khả năng điều hành của Chính phủ cũng như sự nhạy cảm về chính trị và ngoại giao trong quan hệ quốc tế.
Theo tôi, những điều này phản ánh sự linh hoạt và khả năng ứng biến tốt của Chính phủ trong bối cảnh phức tạp của thời cuộc. Những thiếu sót, tồn tại vẫn còn không ít, thể hiện qua các đại án kinh tế, hay tình trạng một lượng không nhỏ doanh nghiệp đóng cửa, thị trường bất động sản còn khó khăn, nợ xấu ngân hàng tăng, nhưng lèo lái được trong bối cảnh phức tạp như vậy là không dễ dàng.
Thử thách trước mắt
Việt Nam có 3 thử thách trong thời gian tới ở tầm chiến lược.
Một là, làm sao tận dụng quan hệ ở tầm mới với Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc?
Hai là, làm sao giúp doanh nghiệp thích ứng với xu thế chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trên toàn cầu?
Ba là, làm sao chủ động thu hút đầu tư vào khu vực công nghệ mới?
Các yếu tố này tưởng khác nhau, nhưng lại liên quan mật thiết. Trước tiên, tôi xin điểm qua lại một vài câu chuyện tôi nghe được về cách các nước hỗ trợ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và thu hút đầu tư vào công nghệ.
Về phía chuyển đổi số, ở Anh, Canada và Phần Lan, tôi nghe được những câu chuyện về doanh nghiệp ở đủ quy mô có thể xin tài trợ các gói cho vay lãi suất rất thấp (nhiều gói là đến một nửa có lãi suất 0%) do chính phủ triển khai thông qua một số ngân hàng, để doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số. Các tổ chức tư vấn cho doanh nghiệp, như luật sư, kế toán, đều vẫn sẽ nhận được phí tư vấn để làm thủ tục vay các khoản tiền này, nên họ cũng rất sốt sắng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay hỗ trợ này của chính phủ.
Làm nổi bật được cái lợi thế “một chốn bình yên” giữa cơn bão bất ổn toàn cầu để thu hút bạn bè đến chơi và đầu tư, cùng ta vượt thử thách chính là một cách tiếp cận giúp ta hóa giải các thách thức có tính chiến lược.
Về phía năng lượng tái tạo, có những sáng kiến “bơm tiền” kiểu cuộc thi sáng tạo, các vòng tài trợ nghiên cứu vốn mồi mà các doanh nghiệp Anh, Australia và Hà Lan có thể kết hợp với nhau để ứng dụng các loại năng lượng tái tạo mới, giúp đạt được phát thải ròng bằng “0”. Tiền ứng dụng sẽ do quỹ mà chính phủ các nước này trả.
Tất nhiên, những khoản tài trợ này không phải là động không đáy. Một số chương trình chỉ có 2,5 triệu bảng Anh, một số là 5 triệu. Có những trường hợp như các gói tài trợ cho các đại học thì chỉ 1-2 triệu bảng. Không phải quá nhiều. Nhưng có rất nhiều gói khác nhau và dựa trên tính cạnh tranh và nhanh nhạy của khối tư nhân và phi chính phủ để sử dụng tiền.
Những câu chuyện này liên quan gì đến 3 câu hỏi trên? Có, đó là chính phủ phải đóng vai trò nhà chi tiền và đầu mối thúc đẩy cho cả nền kinh tế vận động theo xu hướng thích ứng với xu thế chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trên toàn cầu.
Nền kinh tế như một cơ thể, còn chính phủ là cơ quan đầu não, nên phải phát tín hiệu thích hợp thì cơ thể mới vận động tương ứng. Những ví dụ ở trên là tín hiệu cho nền kinh tế biết chính phủ nghiêm túc với các chính sách chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Con số mấy triệu bảng Anh một gói tài trợ không lớn, nhưng khi nó được đưa ra, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp sẵn sàng đưa ra những gói bổ sung riêng của mình có khi còn lớn hơn nhiều so với gói chi của chính phủ, miễn là họ thấy đây là một xu thế mới phải đi theo, mà chính phủ đi trước làm gương rồi.
Các quy định về “xanh”, “có trách nhiệm” của một số thị trường như châu Âu sẽ dần được áp dụng trong vài năm tới với hàng nhập khẩu vào khu vực này, và rồi Nhật Bản hay một số thị trường xuất khẩu chính khác của Việt Nam cũng có thể học theo. Vì vậy, ta phải đi đủ nhanh để không bị động.
Trong khi đó, chuyển đổi số không đủ nhanh thì sẽ không theo kịp những bước đi mới trong lĩnh vực về công nghệ dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Đầu vào quan trọng của những lĩnh vực này chính là “số”, là dữ liệu. Khoan hãy nói chuyển đổi số, hay có được dữ liệu đầu vào chất lượng cho những lĩnh vực này, “số hóa” được đã là thành công rồi. Mà số hóa là một khâu cực kỳ đau đầu cho những người đi triển khai rồi.
Còn nếu nói tới thu hút đầu tư vào công nghệ mới thì lại càng cần vai trò đại não của chính phủ phát đi tín hiệu là phải giải quyết 3 điểm yếu thường được nhà đầu tư nước ngoài nhắc tới. Đó là: thiếu điện; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo thấp (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vào cuối năm 2023 là có 38 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên, số lao động phi chính thức là 33,3 triệu người); hạ tầng không đồng bộ hoặc quá tải.
Những điểm yếu này mới thật sự được nhà đầu tư nước ngoài với tầm nhìn trung và dài hạn quan tâm, chứ không phải là vấn đề về nợ xấu ngân hàng hay bất động sản (điều mà các nhà đầu tư tài chính quan tâm hơn). Bởi vì họ đầu tư dài hạn, họ cần biết là họ mang tiền và công nghệ sang, thì có điện ổn định không, nhân lực có cung cấp được không? Một điều khiến tôi lo ngại là nhiều đại học nói rằng không thể tăng nhanh năng lực đào tạo nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch, trong khi ta thì lại muốn nhà đầu tư nước ngoài sang đầu tư lĩnh vực này.
Một mình Việt Nam không thể giải quyết các vấn đề này nhanh chóng. Đây chính là chỗ cần tận dụng quan hệ ở tầm mới với Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc cũng như mối quan hệ đoàn kết với các nước ASEAN để tìm kiếm giải pháp cho nhân lực và hạ tầng của ta. Hòa bình, thân thiện là thế mạnh để ta “rủ” người ta “chơi chung” những dự án lớn, giải tỏa nút cổ chai về hạ tầng và trình độ nhân lực cho Việt Nam.
Việt Nam vẫn có nguy cơ trong bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta vẫn còn nhiều thử thách phải vượt qua và để làm điều đó, ta cần nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài. Làm nổi bật được cái lợi thế “một chốn bình yên” giữa cơn bão bất ổn toàn cầu để thu hút bạn bè đến chơi và đầu tư, cùng ta vượt thử thách chính là một cách tiếp cận giúp ta hóa giải các thách thức có tính chiến lược. Mà muốn đi “khoe” được sự bình yên, thì chúng ta phải bình yên thật sự. Duy trì sự ổn định nội bộ, hòa bình, thân thiện, cùng phát triển với các nước phải được đặt lên hàng đầu.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-2024-binh-yen-vuot-thu-thach-d208582.html