Việt Nam-Anh kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do

Chiều 11/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã kết thúc đàm phán và ký Tuyên bố chung về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Anh. Đây là bước quan trọng để hướng đến việc 2 nước sớm ký kết chính thức Hiệp định này.

Lễ ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh chiều 11/12 tại Hà Nội. (Ảnh: Trung Hiếu)

Lễ ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh chiều 11/12 tại Hà Nội. (Ảnh: Trung Hiếu)

Hiệp định song phương này sẽ giữ nguyên các lợi ích trong quan hệ thương mại hiện tại giữa Vương quốc Anh với Việt Nam thông qua Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), đồng thời quy định các ngoại lệ và bổ sung, điều chỉnh phù với đặc thù thương mại giữa hai nước.

Theo đó, Hiệp định sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế trong 6 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; quy định cụ thể hơn về hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng gạo, cộng gộp quy tắc xuất xứ, tỷ lệ góp vốn trong ngân hàng thương mại cổ phần… Ngoài ra, các cam kết trong nhiều lĩnh vực khác như thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, phát triển bền vững… tiếp tục kế thừa các cam kết của Hiệp định EVFTA.

Đàm phán Hiệp định FTA kết thúc khi Vương quốc Anh và Việt Nam vừa kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược. Thỏa thuận này sẽ định hướng cho mối quan hệ song phương được tăng cường mạnh mẽ trong thập kỷ tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỉ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Trung Hiếu)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Trung Hiếu)

Từ năm 2010 đến năm 2019, thương mại song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, lên tới 5,7 tỷ Bảng và sẽ ngày càng được nâng cao khi thuế xuất nhập khẩu được xóa bỏ.

Tuy nhiên, khi Anh rời EU, các ưu đãi mang lại từ Hiệp định EVFTA sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh. Bởi vậy, việc ký kết một FTA song phương sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả mang lại của Brexit.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss cho biết, Vương quốc Anh và Việt Nam có chung cam kết chiến lược đối với thương mại toàn cầu và tự do hóa giao dịch và vốn đầu tư.

"Tôi rất vui mừng cùng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương này. Đây là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính liên tục cho mối quan hệ thương mại năng động và ngày càng tăng trưởng giữa hai quốc gia", bà khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Trung Hiếu)

Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Trung Hiếu)

Kết thúc đàm phán FTA tại Hà Nội, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký một Tuyên bố chung về FTA trong đó nêu rõ những quyền lợi của doanh nghiệp sẽ được tiếp tục khi thuế xuất nhập khẩu giảm; cơ hội tiếp cận nhiều hơn đến các dịch vụ; các sản phẩm thiết yếu của Việt Nam và Anh sẽ được bảo hộ.

Khi FTA được áp dụng hoàn toàn, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi có thể tiết kiệm lên tới 114 triệu Bảng tiền thuế xuất khẩu. Đối với Vương quốc Anh, con số này là 36 triệu Bảng.

FTA Việt Nam - Anh cũng hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực cho Việt Nam, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng xu hướng chuyển dịch đầu tư và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Việc kết thúc đàm phán FTA với Anh cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, cũng như vai trò tích cực của Việt Nam trong việc tăng cường liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực, ủng hộ tự do hóa thương mại mở, dựa trên luật lệ, minh bạch và gắn với tăng trưởng bền vững, bao trùm.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-anh-ket-thuc-dam-phan-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-131284.html