Việt Nam - Bỉ trao đổi Biên bản ghi nhớ xúc tiến thương mại

Việc trao đổi Biên bản ghi nhớ giữa cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam - Bỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc xây dựng cơ chế hợp tác bền vững.

Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Bỉ

Sáng 1/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường cùng Phu nhân đã chủ trì Lễ đón Nhà vua Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên sau hơn 50 năm hai nước Việt Nam và Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới; là dấu mốc lịch sử quan trọng, đưa quan hệ hai nước bước vào chặng phát triển mới, với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác được thúc đẩy thực chất, hiệu quả hơn.

Tham dự cuộc Hội đàm giữa Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà vua Bỉ Philippe còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy.

Toàn cảnh Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe. Ảnh: Dân trí

Toàn cảnh Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe. Ảnh: Dân trí

Tại cuộc Hội đàm, Chủ tịch nước Lương Cường nhiệt liệt chào mừng Nhà vua Bỉ Philippe cùng Đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Bỉ lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973; khẳng định chuyến thăm là dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra một trang mới cho quan hệ hữu nghị hai nước.

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Bỉ, nước thành viên có vai trò và tiếng nói quan trọng trong EU; bày tỏ trân trọng sự ủng hộ quý báu của nhân dân Bỉ dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như những tình cảm tốt đẹp và đóng góp của cá nhân Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ dành cho đất nước, nhân dân Việt Nam và quan hệ hai nước thời gian qua.

Hai bên cam kết tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có và nghiên cứu xây dựng các cơ chế hợp tác mới nhằm làm sâu sắc hợp tác chuyên ngành giữa hai nước; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế như khuôn khổ quan hệ ASEAN - EU, Pháp ngữ, Liên hợp quốc, đặc biệt tại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc khi hai nước cùng là thành viên nhiệm kỳ 2023-2025…

Dấu mốc quan trọng trong hợp tác xúc tiến thương mại

Ngay sau buổi Hội đàm, hai nhà Lãnh đạo đã chứng kiến Lễ trao văn kiện hợp tác giữa Việt Nam - Bỉ trên nhiều lĩnh vực quan trọng như văn hóa, thương mại, biến đổi khí hậu, hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam.

Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà vua Bỉ Philippe chứng kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng, Thủ hiến Vùng Thủ đô Brussels Rudi Vervoort, Bộ trưởng, Thủ hiến Vùng Wallonie Adrien Dolimont và Bộ trưởng Vùng Flanders phụ trách Brussels và Báo chí của Bỉ Cieltje Van Achter trao đổi Biên bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và Cơ quan Đầu tư và Thương mại Flanders, Cơ quan Xúc tiến đầu tư xuất khẩu Wallonie và Cơ quan Hỗ trợ doanh nghiệp Brussels. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà vua Bỉ Philippe chứng kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng, Thủ hiến Vùng Thủ đô Brussels Rudi Vervoort, Bộ trưởng, Thủ hiến Vùng Wallonie Adrien Dolimont và Bộ trưởng Vùng Flanders phụ trách Brussels và Báo chí của Bỉ Cieltje Van Achter trao đổi Biên bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và Cơ quan Đầu tư và Thương mại Flanders, Cơ quan Xúc tiến đầu tư xuất khẩu Wallonie và Cơ quan Hỗ trợ doanh nghiệp Brussels. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thủ hiến Vùng Thủ đô Brussels Rudi Vervoort; Bộ trưởng, Thủ hiến Vùng Wallonie Adrien Dolimont; Bộ trưởng Vùng Flanders phụ trách Brussels và Báo chí Cieltje Van Achter đã tiến hành trao đổi văn kiện "Biên bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và Cơ quan Đầu tư và Thương mại Flanders và Cơ quan Xúc tiến đầu tư - xuất khẩu Wallonie và Cơ quan Hỗ trợ doanh nghiệp Brussels" dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà vua Bỉ Philippe.

Việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa cơ quan xúc tiến thương mại hai nước đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc xây dựng cơ chế hợp tác bền vững.

Theo thỏa thuận tại Biên bản ghi nhớ, hai bên cam kết thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại một cách chuyên nghiệp, đồng thời đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ nhằm phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới.

Biên bản ghi nhớ đã đặt ra mục tiêu cụ thể trong việc tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp hai nước mở rộng thị trường và tìm kiếm đối tác chiến lược.

Đồng thời hai bên cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm, các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt, hai bên cùng thống nhất hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong kinh doanh quốc tế.

Chủ tịch nước Lương Cường cảm ơn Bỉ đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội Bỉ về hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết này đối với Việt Nam và đề nghị hai nước tích cực triển khai Nghị quyết trong thời gian tới, góp phần tăng cường nhận thức của cộng đồng quốc tế về hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam.

Về kinh tế, thương mại, một trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Bỉ, hai nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị Bỉ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), nhằm thúc đẩy quan hệ đầu tư bình đẳng, cùng có lợi giữa doanh nghiệp hai nước; các doanh nghiệp Bỉ đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, hạ tầng chiến lược; đề nghị Bỉ có tiếng nói để Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Nhà vua Bỉ Philippe mong muốn các doanh nghiệp Bỉ trong các lĩnh vực xử lý nước thải, năng lượng, khai thác khoáng sản quý hiếm… được tham gia vào các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-bi-trao-doi-bien-ban-ghi-nho-xuc-tien-thuong-mai-381027.html