Việt Nam cam kết, hành động mạnh mẽ ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường
Thủ đoạn không mới nhưng rất nham hiểm của các thế lực thù địch, đó là lấy môi trường làm cái cớ với những lời nói suông 'yêu và xót ruột' vì môi trường, nhưng thực chất là lèo lái, kích động, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước; xuyên tạc chống phá nhiều chính sách phát triển của Việt Nam...
Đầu tháng 9-2024, cả hệ thống chính trị cùng nhân dân đã căng mình chống siêu bão số 3 (Yagi) với tinh thần chủ động, cảnh giác cao độ. Tuy nhiên, sự tàn phá khốc liệt của cơn bão tăng cấp độ nhanh nhất - mạnh nhất trong 30 năm qua ở Biển Đông đã để lại thiệt hại nặng nề cho nhân dân các tỉnh, thành phía Bắc. Đến nay, sức sống dần hồi sinh trên những nơi bão và hoàn lưu bão từng đi qua khi tinh thần tương thân tương ái của người dân nước ta được phát huy cao độ. Trong khi đó, các đối tượng thù địch lấy thảm họa thiên tai là cái cớ để thực hiện chiêu trò chống phá.
Những phát ngôn xấu độc, vô căn cứ
Fanpage của Đ. vừa thực hiện podcast với chủ đề: “Liệu cơn bão và trận lũ lịch sử này đủ để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về nạn chặt phá rừng tự nhiên ở Việt Nam hay chưa?”. 2 MC cùng khách mời được giới thiệu là “YouTuber đi nhiều nơi ở Việt Nam”, dù không phải là nhà nghiên cứu, nhà khoa học về lĩnh vực môi trường, khí tượng thủy văn, “tự nhận mình không đủ hiểu biết về sạt lở”, nhưng đã liên tục tung hứng hỏi - đáp để quy về việc “mất rừng” là nguyên nhân chính gây ra bão lũ, sạt lở. Các đối tượng đưa những luận điệu vô căn cứ cho rằng “Việt Nam tàn phá thiên nhiên”.
Mưu đồ của các đối tượng này càng bộc lộ rõ khi càng về cuối podcast, 3 đối tượng này đả kích các chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời, kêu gọi thành lập các tổ chức dân sự với những “nhà hoạt động môi trường”, “yêu môi trường”. Thực ra, đây chỉ là chiêu trò của các thế lực thù địch khi mượn danh “môi trường” để kích động, gây phức tạp tình hình như đã từng xảy ra ở một số vụ việc ở một số tỉnh, thành của nước ta những năm trước. Do đó, người dân tuyệt đối không nên nghe và tin theo những luận điệu xấu độc, kích động này.
Bởi trước hết, xét về vị trí địa lý, Việt Nam có lãnh thổ trải dài, đường bờ biển hơn 3.200km, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao nên mưa nhiều, mỗi năm thường gánh chịu hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Đâu phải chỉ thời đại ngày nay, Việt Nam mới gánh chịu những thiệt hại do bão lũ, mà nhìn lại suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, ông cha ta đã luôn đoàn kết để đối phó với thiên tai. Chẳng thế mà kho tàng truyện kể Việt Nam xưa, trong đó tiêu biểu hơn cả là truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, giải thích hiện tượng bão lũ, khắc họa rõ nét khát vọng của người Việt về việc chế ngự thiên nhiên. Sống trong điều kiện tự nhiên thường xuyên phải ứng phó với bão lũ, cha ông ta có cho mình không ít kinh nghiệm trị thủy, phòng, chống bão lũ, dự báo thời tiết, thể hiện rõ qua những câu ca dao, tục ngữ truyền từ đời này sang đời khác.
Trở lại với cơn bão số 3 và hoàn lưu của nó gây sạt lở nhiều tỉnh, thành phía Bắc, theo thông tin trên một số tờ báo uy tín, tại Hội thảo khoa học “Thảm họa Làng Nủ - Nguyên nhân và giải pháp phòng tránh” diễn ra sáng 2-10, PGS-TS Nguyễn Châu Lân (giảng viên bộ môn Địa kỹ thuật, Trường đại học Giao thông vận tải), cho biết qua khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu của ông bước đầu xác định nguyên nhân chính dẫn tới vụ sạt lở vùi lấp thôn Làng Nủ vào đầu tháng 9-2024 là do lượng mưa quá lớn.
“Theo Trạm Việt Tiến, lượng mưa tích lũy ngày 9-9 lên đến 500mm, ngày 10-9 lượng mưa đạt 633mm (bằng 1/4 lượng mưa trung bình cả năm ở tỉnh Lào Cai). Lượng mưa giờ và lượng mưa tích lũy trong 3 ngày liên tiếp quá lớn đã khiến đá phiến phong hóa mạnh, dẫn đến trượt lở khối đất trên núi Voi. Phần vật liệu này sau khi trượt xuống, tích tụ vào đoạn co hẹp phía dưới, đã tạo thành đập tạm thời trước khi vỡ với dòng chảy quá lớn kèm bùn đá, đất, gây nên thảm họa” - ông Lân phân tích.
Hành động cụ thể, tích cực để ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường
Càng nắm vững đường lối, chính sách cũng như thực tiễn sinh động đang diễn ra, người dân sẽ càng tin tưởng hơn với con đường mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã chọn. Hoàn toàn không có chuyện “Việt Nam tàn phá thiên nhiên”, cũng không phải đợi đến khi có cơn bão Yagi mới “gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh” như lời các thế lực thù địch bịa đặt, xuyên tạc.
Bởi lẽ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm quan tâm đến vấn đề môi trường, cũng như biến đổi khí hậu (BĐKH). Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986), Đảng coi bảo vệ rừng, trồng rừng và bảo đảm vệ sinh môi trường là một trong những nhiệm vụ kinh tế - xã hội phải quan tâm. Tinh thần này tiếp tục được kế thừa và phát triển ở các kỳ đại hội sau đó. Như Đại hội lần thứ XI của Đảng (năm 2011) xác định: phát triển nhanh phải đảm bảo phát triển bền vững, phát triển theo chiều rộng phải kết hợp phát triển theo chiều sâu, trong đó bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH là nhiệm vụ xã hội cần thiết. Đây là bước ngoặt trong nhận thức về vấn đề ứng phó với BĐKH.
Tại buổi sinh hoạt chi bộ trực tuyến tháng 10-2024, thông tin chuyên đề về BĐKH và thực hiện net zero, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Thường đã nêu khái quát những hành động của thế giới và Việt Nam với BĐKH thời gian qua. Qua đó cho thấy, thế giới và Việt Nam đều nhận thức rõ tính nghiêm trọng của BĐKH, từ đó có những hành động cụ thể, tích cực để ứng phó BĐKH và bảo vệ môi trường. Nổi bật trong đó là Việt Nam cùng các quốc gia trên thế giới phê duyệt Thỏa thuận Paris về BĐKH tại Hội nghị lần thứ 21 Các bên tham gia công ước khí hậu (COP21) tại Paris năm 2015 (gọi tắt là Thỏa thuận Paris).
“Kế hoạch của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28-10-2016. Để cụ thể hơn quyết định này, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng có một chương nói về BĐKH và quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các cơ quan, chính quyền các cấp trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH...” - ông Nguyễn Ngọc Thường cho biết.
Hay mới nhất là tại COP28, được tổ chức tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất năm 2023, Việt Nam đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về mục tiêu net zero vào năm 2050 đã công bố tại COP26 và khẳng định Việt Nam coi vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là chủ trương nhất quán và là mô hình kinh tế mà Việt Nam lựa chọn.
Việc Việt Nam đưa ra các cam kết mạnh mẽ tại COP28 đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH, là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực ứng phó với BĐKH của Việt Nam. Đặc biệt là Việt Nam đã hành động để thể hiện Việt Nam thực sự có quyết tâm, triển khai quyết liệt các hành động một cách hiệu quả; không chỉ cam kết qua lời nói, mà có những hành động rất cụ thể để triển khai thực hiện các cam kết đó. Với quan điểm “việc đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện” cùng với các cam kết mạnh mẽ sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chung trong bảo vệ môi trường của toàn cầu...
Biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khốc liệt trên thế giới
Trong bối cảnh BĐKH hiện nay, thiên tai ngày càng khốc liệt, các hình thái khí hậu xảy ra cực đoan hơn và để lại những tác động nặng nề ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam.
Như tại châu Phi, ngày 1-7, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tuyên bố bão nhiệt đới Freddy - kéo dài 36 ngày, gây thiệt hại về người và kinh tế ở Đông Nam châu Phi từ tháng 2 đến 3-2023 - là cơn bão dài nhất từng được ghi nhận. Hay tại Mỹ, trong tháng 10-2024, đã phải hứng chịu cơn bão Helene gây ra thiệt hại “vượt ngoài sức tưởng tượng”. Theo TTXVN, ngày 3-10, các quan chức Mỹ xác nhận hơn 210 người đã thiệt mạng sau khi bão Helene càn quét một số bang của nước này, khiến đây trở thành cơn bão gây mức thương vong lớn thứ hai tấn công đất liền Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.