Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050
Việt Nam được Liên Hợp Quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Phát biểu tại Lễ Công bố và Hội thảo “Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức Net Zero tại Việt Nam, mã số KC.16/24-30” ngày 12/12, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, tại chuyến công tác Hoa Kỳ vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng: “Thời gian qua, Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm của mình đối với các công việc chung của cộng đồng quốc tế bằng những đóng góp tích cực, chủ động.
Chung tay hướng tới Net Zero
Việt Nam được Liên Hợp Quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050”.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia khẩn trương xây dựng và ban hành Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia với mã số KC.16/24-30, nhằm phục vụ mục tiêu đạt mức Net Zero tại Việt Nam.
Đây là một trong những chương trình hành động nhanh chóng, kịp thời của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, chương trình này sẽ song hành cùng với các chương trình quốc gia khác đã và đang thực hiện để chung tay thúc đẩy các giải pháp khoa học và công nghệ, đặc biệt là hướng tới công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Chương trình Khoa học và Công nghệ Net Zero sẽ là nền tảng, cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
“Mục tiêu của chương trình là khá rộng, cũng như việc yêu cầu cần phải tìm ra các giải pháp công nghệ mới, công nghệ xanh là một nhiệm vụ rất khó, mong rằng cộng đồng doanh nghiệp, giới nghiên cứu khoa học sẽ chung tay vào cuộc, để tìm ra được các kết quả, giải pháp khoa học, công nghệ thiết thực khẳng định bước tiến rõ rệt, sớm hoàn thành mục tiêu đạt mức Net Zero tại Việt Nam”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ.
Các đại biểu đánh giá, mục tiêu Net Zero là một thách thức lớn nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Việc thực hiện các cam kết quốc tế và triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu này vào năm 2050.
Sự kết hợp giữa chính sách, khoa học công nghệ cùng hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà còn xây dựng một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững.