Việt Nam cần có tập đoàn xuất bản tầm cỡ

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã có nền tảng quan trọng để bước vào giai đoạn xuất bản 4.0. và sắp tới cần có những tập đoàn xuất bản lớn.

 Ảnh: Duy Hiệu.

Ảnh: Duy Hiệu.

Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet hàng đầu khu vực, Việt Nam đã có một nền tảng khá quan trọng để bước vào giai đoạn xuất bản 4.0. Chúng ta nhận thấy chuyển biến chính của xuất bản trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Biến chuyển của xuất bản thế giới trong cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ nhất, chuyển biến về mô hình và quy trình xuất bản

Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến những thay đổi ngày càng nhanh trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông, khách hàng và mô hình kinh doanh. Trong hoạt động xuất bản sẽ xuất hiện những mô hình mới mà trọng tâm chỉ còn là bản thân sản phẩm, mà là các quy trình định hướng khách hàng. Các nhà xuất bản (NXB) chuyển từ vai trò của người sản xuất, tạo ra sản phẩm sang vai trò cung cấp các dịch vụ nội dung, thông tin để kết nối giữa người đọc với tác giả. Ngược lại, một số công ty cung cấp dịch vụ thông tin sẽ lấn sân, trở thành “bà đỡ” cho mỗi ấn phẩm.

Sẽ có 3 mô hình hoạt động xuất bản song hành tồn tại: Mô hình truyền thống, tập trung vào in ấn, tác phẩm in (dành cho thương hiệu lớn); mô hình giữa các phương tiện truyền thông về việc tạo và phân phối nội dung trên các kênh khác nhau (dành cho các tập đoàn nắm giữ bigdata (dữ liệu lớn) và mạng lưới phân phối); mô hình tạo ra các dịch vụ nội dung dựa trên nền tảng số và mạng lưới khách hàng (mô hình của tương lai - mô hình 4.0).

Cùng với sự chuyển dịch mô hình xuất bản hiện có, còn là sự xuất hiện của một quy trình xuất bản hoàn toàn mới - xuất bản trực tiếp của các cá nhân. Với định dạng điện tử, thông qua các công ty nắm giữ hạ tầng bigdata, tác giả đưa “đứa con tinh thần” của mình đến thẳng người đọc mà không qua thao tác biên tập, giới thiệu, quảng bá của NXB, điều này thuận lợi, giảm chi phí nếu tác giả và tác phẩm đã định hình đối tượng bạn đọc cho riêng mình. Điều này đã thấy ở các khu vực xuất bản phát triển như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

10 cách phổ biến trên thế giới để đưa sách tới bạn đọc

1. Thông qua đại diện bản quyền hoặc nhà xuất bản

2. Thông qua nhà xuất bản

3. Thông qua một dự án đặt hàng

4. Tự xuất bản qua Amazon

5. Xuất bản qua một nhà xuất bản chuyên làm sách điện tử

6. Xuất bản qua APub, chi nhánh của Amazon

7. Xuất bản thông qua một công ty in/thiết kế

8. Tự xuất bản rồi sau đó phát hành qua kênh truyền thống

9. Gây quỹ tài trợ cho việc xuất bản

10. Xuất bản trên các nền tảng mạng xã hội

Thứ hai, xuất hiện của các sản phẩm xuất bản mới thay thế dần vai trò của sách truyền thống

Hiện nay, sau sự thoái trào của các thiết bị đọc sách độc lập tồn tại, một dòng sách điện tử mới được tích hợp trên nhiều hệ điều hành: Window, Mac, Linux, iOS, Android, Blackberry, WebOS…. ngày càng chiếm ưu thế. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, gọn nhẹ, độc giả đã có thể có những trải nghiệm như đọc một cuốn sách giấy, lật giở từng trang. Hình ảnh, audio, video được tích hợp vào ebook trên tương tác thời gian thực nên rất trực quan, sống động.

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, các NXB lớn trên thế giới đều đẩy mạnh xuất bản điện tử, đặc biệt là xuất bản và phát hành trực tuyến trên mạng Internet. Đi đầu vẫn là các tập đoàn công nghệ thông tin với sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Google, Meta... kết hợp với các nhà sản xuất như Apple, SamSung, Nokia, Sony,... tích hợp sẵn sản phẩm sách điện tử trên điện thoại di động hoặc cho phép tải sách điện tử qua Appstore, Google play,... nhằm gia tăng giá trị ứng dụng của các sản phẩm công nghệ thông tin.

Thứ ba, phương thức sản xuất mới gắn với yêu cầu mới về nguồn nhân lực

Những thói quen mới của độc giả như: mua bán, lựa chọn và trao đổi sách trực tuyến, sử dụng ebook (sách điện tử) và vrbook (sách thực tế tăng cường ảo) buộc các NXB phải tìm ra định hướng phát triển cho mình nếu không muốn bị tụt hậu, những robot sẽ thay thế/hỗ trợ bộ phận chế bản hay nhân công làm kỹ thuật in ấn, giúp NXB tinh giản bộ máy; đồng thời còn giúp NXB kiểm định được chất lượng bản thảo, kiểm soát được tình trạng “đạo văn” và tiếp cận được sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học và công nghệ...

Nhìn vào thực tế phát triển kinh tế nói chung và thực tế của ngành xuất bản nói riêng, tôi nhận thấy nhiều hạn chế như quy mô, năng lực hoạt động xuất bản ở nước ta vẫn còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về xuất bản phẩm. Chất lượng của sách xuất bản và dịch vụ xuất bản chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu công tác tư tưởng. Hoạt động xuất bản còn tụt hậu về công nghệ và trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc quản lý nhà nước đối với xuất bản còn nhiều vấn đề bất cập. Tuy nhiên bên cạnh những hạn chế và thách thức thì nhiều cơ hội mới cho việc đưa xuất bản thành ngành công nghiệp của Việt Nam chưa bao giờ sẵn sàng như vậy khi chúng ta đang nhận được những ảnh hưởng tích cực của cách mạng công nghiệp 4.0.

Kiến tạo hệ sinh thái cho xuất bản Việt Nam

Như vậy việc xây dựng ngành xuất bản thành ngành công nghiệp hoàn toàn có cơ sở và chúng ta phải làm gì để biến mong muốn thành hiện thực. Để nắm chắc cơ hội, chủ động cho con đường phát triển của ngành xuất bản, chúng ta cần làm gì? Tôi xin có một số kiến nghị sau, để phục vụ cho việc kiến tạo Hệ sinh thái cho xuất bản Việt Nam:

1. Tạo ra các sân chơi cùng với các đơn vị xuất bản quốc tế: Bằng việc tổ chức các hội sách quốc tế một cách chuyên nghiệp chúng ta đã và đang thu hút sự quan tâm của xuất bản thế giới. Tại đó chúng ta có cơ hội để giới thiệu các tác phẩm và tác giả Việt Nam tới các bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó việc hiện diện tại các hội sách quốc tế như Frankfurt, Beijing, London… đã tạo ra những chú ý tích cực tới xuất bản Việt Nam. Một số các đơn vị tham gia hoạt động này rất tích cực và có chiều sâu như ThaiHaBooks, NXB Trẻ, Nhã Nam, NXB Kim Đồng…

2. Lập và hỗ trợ các hoạt động khuyến đọc tại các nhà trường và địa phương trên cả nước: Như hoạt động đọc sách mỗi 10 phút mỗi ngày tại các lớp học, cấp học. Thành lập các tủ sách di động tại các địa điểm công cộng như bệnh viện, bến chờ xe bus. Lập quỹ khuyến đọc và dịch thuật…

3. Khuyến khích việc xuất bản sách hay sách có giá trị: Hiện tại thị trường sách tương đối mở rộng, việc mua bán bản quyền dễ dàng nên việc kiểm duyệt sách có phần đơn giản, do vậy các cuốn sách nội dung chưa có nhiều giá trị sống tích cực vẫn được xuất bản. Sách có nội dung khó nhằn, sách có giá trị lại bị xem là sách ‘để trưng bày’, do vậy để khuyến khích các tác giả Việt Nam dụng công tìm tòi và sáng tạo thì chúng ta nên có những ưu đãi về giá, về các hoạt động truyền thông quảng bá để cuốn sách được tới tay các bạn độc giả cả nước.

4. Chính phủ xây dựng Quỹ để hỗ trợ dịch thuật tiếng Việt ra các ngôn ngữ khác và hoạt động khuyến đọc trên cả nước.

5. Xuất bản sách giấy: Cơ quan quản lý tham khảo mô hình quản lý xuất bản của các nước để giảm bớt các thủ tục hành chính trong việc cấp phép phát hành, tăng tính chủ động và chịu trách nhiệm đối với các đơn vị làm xuất bản trực tiếp.

6. Xuất bản sách điện tử: Cơ quan quản lý phổ biến rõ các thủ tục hành chính cấp phép trong việc kinh doanh xuất bản phẩm điện tử; trong việc báo cáo xử lý khi phát hiện sai phạm trong phát hành ấn phẩm điện tử (ebook, audiobooks, kinh doanh nội dung sách trên các ứng dụng…

7. Giá sách: có khung trần đối với việc giảm giá những ấn phẩm sách mới: Chế độ giá sách cố định đã tồn tại hơn 150 năm. Hầu hết quốc gia có ngành công nghiệp sách phát triển (ví dụ Đức, Pháp) đã đưa ra luật hoặc thỏa thuận để ấn định giá bán sách. Sách là đối tượng của văn hóa, xứng đáng được đối xử đặc biệt với các mặt hàng khác, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các nhà bán lẻ, cho phép các nhà bán sách nhỏ tồn tại bất chấp sự tồn tại của hệ thống cửa hàng lớn.

8. Kênh truyền thông báo chí, truyền hình: Tiếp cận đa chiều tới độc giả, có nhiều phóng sự bài viết liên quan đến việc khuyến đọc.

9. Phải có các tập đoàn xuất bản tầm cỡ:

Điều này chúng ta thấy rất cần thiết và rất quan trọng.

Tập đoàn: Đa dạng hóa thị trường và doanh thu; Làm mềm lợi nhuận; Tăng cường sự hợp tác; Đào tạo và phát triển; Phân bổ vốn; Khác.

Một số đơn vị tầm cỡ của Việt Nam có thể phát triển hiện nay như: NXB Giáo dục, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Phụ Nữ, Phương Nam, Nhã Nam, Alpha.

Tập đoàn xuất bản: Cần không chỉ tiềm lực tài chính, có nguồn vốn lớn, có tầm nhìn và chiến lược, công tác quản trị chuẩn, công nghệ. Một yếu tố rất quan trọng là thị trường. Cần tạo dựng thị trường, xây dựng thị trường đọc. Mà điều đầu tiên là cần xây dựng thói quen đọc từ nhỏ, từ mầm non và cấp tiểu học. Hơn nữa, chúng ta cần có cơ chế, cần luật hóa về văn hóa đọc. Cần đưa các nghị quyết, quyết định về văn hóa đọc và khuyến đọc vào cuộc sống.

TS Nguyễn Mạnh Hùng

Nguồn Znews: https://znews.vn/viet-nam-can-co-tap-doan-xuat-ban-tam-co-post1466085.html