Việt Nam cần khu công nghiệp chuyên sâu

Lĩnh vực phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam đã trải qua giai đoạn phát triển theo bề rộng, hiện đang chuyển mình theo chiều sâu, chuyên biệt để cung cấp nhiều hơn các sản phẩm cho khách thuê thay vì đơn thuần là đất sạch và hạ tầng.

Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) 2024: "Xanh hóa đón sóng đầu tư mới" lần thứ tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư tổ chức chiều 30-7, nhiều chuyên gia đưa ra một bức tranh sáng với tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài thông qua bất động sản khu công nghiệp (KCN).

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, cho rằng Việt Nam đang là điểm sáng trên bản đồ thế giới trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vì nhiều lợi thế.

7 tháng đầu năm 2024, vốn FDI đăng ký mới đạt trên 18 tỉ USD vốn đăng ký, tăng 10,9% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam. Các dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm giá trị gia tăng cao có xu hướng tăng.

KCN Cái Mép

KCN Cái Mép

Gần đây, Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Nhiều tập đoàn lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) như Amkor, NVIDIA, HanaMicron… đang quan tâm, mở rộng tại Việt Nam.

Cả nước hiện đã có 425 KCN, khu chế xuất được thành lập với quỹ đất công nghiệp khoảng 89.200 ha. Lũy kế đến hết năm 2023, các KCN, khu kinh tế trên cả nước thu hút được trên 11.200 dự án đầu tư nước ngoài và 10.600 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đạt lần lượt 251,6 tỉ USD và 2,67 triệu tỉ đồng; vốn đầu tư thực hiện tương ứng đạt tỉ lệ khoảng 68,2% và 45,3%.

Tại hội thảo, ông Trương An Dương, Giám đốc Điều hành khu vực phía Bắc, Công ty Frasers Property Việt Nam, cho rằng các KCN tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển từ bước 1 sang bước 2.

Hiện tại, Việt Nam là địa điểm thường được chọn từ làn sóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Những sản phẩm nhà kho, nhà xưởng xây sẵn đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà sản xuất. Đây là sản phẩm "may sẵn". Trong giai đoạn tiếp theo sẽ là sản phẩm "may đo" theo yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, các nhà phát triển bất động sản KCN cần nắm bắt xu hướng này.

Bà Vân Nguyễn, Giám đốc Cấp cao Khối thị trường giao dịch phía Bắc (Công ty JLL Việt Nam) nhận định lĩnh vực phát triển KCN tại Việt Nam đã trải qua giai đoạn phát triển theo bề rộng, hiện đang chuyển mình theo chiều sâu, chuyên biệt để cung cấp nhiều hơn các sản phẩm cho khách thuê thay vì đơn thuần là đất sạch và hạ tầng. Đấy là xu hướng thu hút các nhà đầu tư trình độ cao.

Tuy nhiên, cái khó là Việt Nam chưa có những khu vực riêng để phát triển các KCN mũi nhọn, chuyên sâu. Theo bà Vân, chính sách vĩ mô của Việt Nam đã thông thoáng hơn nhiều nhưng tốc độ cải thiện còn chậm so với các nước trong khu vực.

"Trung Quốc vẫn là công xưởng của cả thế giới nhưng các "đại bàng" FDI vẫn cần các địa điểm làm vệ tinh sản xuất. Khi "đại bàng" yêu cầu các tiêu chuẩn và quy trình như tại Trung Quốc thì Việt Nam chưa có nhiều nhà cung cấp hạ tầng KCN đáp ứng tốt yêu cầu này" - bà Vân khẳng định.

Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển kinh doanh toàn quốc - Công ty SLP Việt Nam, cho rằng không loại trừ bất kỳ mô hình đầu tư nào, chỉ cần hiệu quả kể cả mô hình KCN chuyên sâu nếu thấy đủ hấp dẫn.

Về khả năng đầu tư KCN chuyên sâu để có thể tiếp tục rước các nhà đầu tư "đại bàng", ông Nam cho rằng Việt Nam đã có một vài khu được xây dựng theo mô hình KCN chuyên sâu như KCN của Sumitomo, hay các khu công nghệ cao tại Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM… Nhưng để phát triển và thành công các KCN chuyên sâu thì thị trường phải hình thành được hệ sinh thái mà trong đó, vai trò kiến tạo từ chính sách là vô cùng quan trọng.

Sơn Nhung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/viet-nam-can-khu-cong-nghiep-chuyen-sau-196240730172814443.htm