Việt Nam cần mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em để khuyến khích sinh con
Chuyên gia quản lý chương trình thuộc UN Women tại Việt Nam cho hay để thực hiện khuyến sinh, giúp duy trì mức sinh thay thế trên cả nước, Việt Nam cần mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ em.

Chăm sóc trẻ em tại một trường mầm non công lập. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong thời gian qua, công tác dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là việc khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế một điều đáng lo ngại hiện nay là mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp nhằm duy trì mức sinh thay thế trên cả nước.
Đề xuất các chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số để duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam, bà Trần Thị Thúy Anh - Chuyên gia quản lý chương trình thuộc UN Women tại Việt Nam cho hay để thực hiện khuyến sinh tại những vùng mức sinh thấp, giúp duy trì mức sinh thay thế trên cả nước, Việt Nam cần mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ em (nhà trẻ, mẫu giáo công và tư) có chất lượng và chi phí phù hợp để hỗ trợ các bậc cha mẹ đi làm, giúp họ dễ dàng cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.
Theo bà Thúy Anh, bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ tài chính cho các gia đình thông qua cung cấp gói trợ cấp sinh đẻ/trẻ em/gia đình và nghỉ thai sản có lương cho cả cha và mẹ phép có lương, đảm bảo cả cha và mẹ đều có thể nghỉ để chăm sóc con cái của họ, như việc thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nam giới.
“Đặc biệt, các cơ quan chức năng liên quan cần có chính sách để khuyến khích thời gian làm việc ngắn hơn và sắp xếp công việc linh hoạt cho nam giới, cho phép họ tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc trẻ em và trách nhiệm gia đình; Thúc đẩy các chuẩn mực giới bình đẳng thông qua việc triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và các chương trình giáo dục nhằm thúc đẩy việc chia sẻ trách nhiệm gia đình và thách thức vai trò giới truyền thống, tạo ra một môi trường hỗ trợ hơn cho các gia đình,” Chuyên gia quản lý chương trình thuộc UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, các ban ngành cần có chính sách hỗ trợ phụ nữ có trình độ học vấn và có việc làm. Điều chỉnh các chính sách việc làm, tuyển dụng, thăng tiến và bình đẳng giới để giải quyết các vấn đề cụ thể của phụ nữ có trình độ học vấn, có việc làm, giúp họ cân bằng nguyện vọng nghề nghiệp với kế hoạch hóa gia đình.../.