Việt Nam cần phải đi đầu về phát minh, sáng chế công nghệ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công nghệ là nhân tố chính để phát triển kinh tế, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành một nước phát triển.

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ sự ấn tượng của mình với thông điệp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và sự lớn mạnh của các công ty công nghệ Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý cho việc triển khai lộ trình nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển bài bản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công nghệ là nhân tố chính để phát triển kinh tế, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành một nước phát triển. Muốn thúc đẩy điều này, phải làm chủ công nghệ, khả năng quản lý, có năng lực phát minh, đi đầu trong việc thiết kế, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.

Việt Nam cần phải đi đầu về phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất và tất yếu để hướng tới một quốc gia hùng cường. Dùng công nghệ nhân loại để giải quyết các bài toán Việt Nam, dùng Việt Nam làm cái nôi để đi ra toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm các gian hàng công nghệ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm các gian hàng công nghệ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng về một dân tộc hóa rồng năm 2045. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có vai trò bản lề trong việc phát triển đất nước. Kinh tế số, kinh tế sáng tạo và kinh tế chia sẻ là xu hướng phát triển, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Qua diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Việt Nam cần nhận biết đầy đủ các thách thức mà chúng ta phải đối mặt.

Thủ tướng tin rằng Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm được cơ hội. Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ là khởi đầu quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái các doanh nghiệp Việt, giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển.

[Make in Vietnam sẽ giúp Việt Nam thịnh vượng và hòa bình lâu dài]

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá cao những vấn đề được các diễn giả nêu ra tại diễn đàn. Đó là những thách thức cụ thể mà bản lĩnh trí tuệ Việt Nam phải giải quyết bằng những chính sách cụ thể nhằm phát triển các doanh nghiệp công nghệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải hành động nhanh hơn và quyết liệt hơn. Chính vì vậy, cần bứt phá từ tư duy đến hành động. Những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần phải được thay thế bằng những phương thức đổi mới sáng tạo.

"Chúng ta cần xây dựng và tuyên bố một cách dứt khoát chiến lược về thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam. Make in Vietnam là tuyên bố của chúng ta tại diễn đàn năm nay," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng cũng cho rằng Việt Nam đang có những chính sách tốt, tuy nhiên cần phải tiếp tục hoàn thiện, cùng với đó là đẩy mạnh môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Chính phủ sẽ sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Thủ tướng đồng ý về chủ trương về việc tạo ra các khu công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện khát vọng xây dựng dân tộc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chính phủ sẽ làm hết sức mình để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển thành công.

Đáp lại lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm hết sức mình để góp phần tạo nên các doanh nghiệp công nghệ Việt, giúp Việt Nam thịnh vượng./.

Minh Sơn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-can-phai-di-dau-ve-phat-minh-sang-che-cong-nghe/568301.vnp