Việt Nam cần phát triển năng lượng tái tạo, nhưng...
Năng lượng tái tạo chưa thể thay thế năng lượng truyền thống, nên Việt Nam vẫn cần phát triển điện than, điện khí; cần siết chặt hơn nữa trách nhiệm từ phía sử dụng điện để giảm bớt áp lực đầu tư nguồn điện mới... Đây là những vấn đề nổi bật được các chuyên gia trao đổi, chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm 'Câu chuyện năng lượng' diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Sự kiện do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) phối hợp với tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET SE) tổ chức. Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tham dự và có phần trình bày về tổng quan ngành Điện Việt Nam và tình hình phát triển nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Điện mặt trời không thể thay thế năng lượng truyền thống
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020, tổng công suất điện mặt trời đạt 850 MW. Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2019, tổng công suất điện mặt trời đã đạt 4.500 MW. Sang năm 2020, con số này dự kiến lên tới 7.700 MW, cao gấp nhiều lần so với quy hoạch.
Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển mạnh điện mặt trời sẽ là giải pháp “cứu cánh” để giảm bớt nỗi lo thiếu hụt nguồn điện trong thời gian tới. Thực tế, theo các chuyên gia, điện mặt trời chỉ đáp ứng được phần nhu cầu rất nhỏ trong tổng nhu cầu điện toàn quốc.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, tổng sản lượng điện thương phẩm của năm 2019 dự kiến là 212 tỷ kWh. Như vậy, tính bình quân, cả nước cần khoảng 750 triệu kWh mỗi ngày. Trong khi đó, ngày cao điểm nhất gần đây (21/8), sản lượng điện mặt trời chỉ đạt 27 triệu kWh, phần sản lượng còn lại vẫn là các nguồn điện truyền thống như điện than, điện khí, thủy điện,…
Nguồn năng lượng tái tạo góp phần quan trọng trong việc đảm bảo điện nói chung, nhưng việc phát triển nguồn điện truyền thống ở Việt Nam vẫn cần phải được quan tâm tính toán kĩ lưỡng - theo ông Võ Quang Lâm. Điện mặt trời chỉ phát công suất được khoảng 6 tiếng vào ban ngày; trong 18 tiếng còn lại, hệ thống điện vẫn phải huy động các nguồn năng lượng truyền thống.
Đó là chưa kể, các dự án điện mặt trời phát triển vượt quy hoạch cũng sẽ khiến việc giải tỏa công suất cho các dự án này rất khó khăn. Xây dựng 1 nhà máy điện mặt trời chỉ cần khoảng 6-10 tháng, nhưng một đường dây truyền tải 500 kV cần tới 3-5 năm, đường dây 110 kV khoảng 1 năm - ông Võ Quang Lâm cho biết thêm.
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cũng khẳng định, bài toán cơ cấu nguồn điện không thể "bốc thuốc", không thể lấy mô hình của quốc gia này để áp dụng cho quốc gia khác. Ví dụ, năng lượng tái tạo ở Đức phát triển rất mạnh, nhưng nếu quốc gia này không kết nối lưới điện với các quốc gia khác ở Châu Âu, thì việc đảm bảo điện sẽ gặp rất nhiều vấn đề.
Ở Việt Nam hiện nay, thủy điện đã khai thác hết tiềm năng; phát triển điện gió, điện mặt trời rất tốt, nhưng giá điện cao và chỉ phát huy được một số thời điểm trong ngày. Do đó, Việt Nam vẫn cần phát triển điện than và điện khí - ông Sơn cho hay.
Cần xem xét trách nhiệm từ phía sử dụng điện
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục - Viện Nghiên cứu định cư và năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng không chỉ là câu chuyện riêng của Bộ Công Thương hay EVN mà cần xem xét cả phía người sử dụng điện.
EVN đang phải “độc hành”, gồng mình để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện 10% hàng năm, trong khi việc tích hợp hiệu quả năng lượng chưa được các chủ đầu tư chú trọng. Trên thực tế, hiện nay, nhiều tòa nhà cao tầng đang lãng phí từ 20-40% năng lượng, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục cho hay.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục lấy ví dụ, ở Anh, từ năm 2016, các tòa nhà cao tầng chỉ được cung cấp một mức năng lượng cụ thể, còn lại các tòa nhà buộc phải có giải pháp tự sản xuất điện, nước để sử dụng. Bà cho rằng: "Việt Nam cần có giải pháp tổng thể về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, giảm mức tăng trưởng điện 10% như hiện nay".
Bà Ngô Tố Nhiên - Thành viên Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, việc tiết kiệm năng lượng đã được Chính phủ Việt Nam chú trọng, hệ thống văn bản pháp luật, quy định đã được ban hành đầy đủ, tuy nhiên việc thực thi chưa được chú trọng.
"Cơ chế xử phạt/khen thưởng chưa đủ để khuyến khích hay răn đe, giá điện còn thấp là những nguyên nhân chủ yếu khiến người sử dụng chưa quyết tâm tiết kiệm" - bà Ngô Tố Nhiên cho hay.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Võ Quang Lâm cho biết, hệ số đàn hồi điện/GDP ở Việt Nam vẫn còn cao (1,5). Thời gian qua, EVN đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện và đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp quản lý ở phía sử dụng điện như: Chương trình quản lý nhu cầu điện; điều chỉnh phụ tải điện; phát triển điện mặt trời áp mái…
Trong cơ cấu sử dụng điện của Việt Nam, lĩnh vực công nghiệp chiếm 55%, sinh hoạt chiếm 32%. Lấy ví dụ điện thương phẩm toàn quốc là 100 tỷ kWh, chỉ cần mỗi lĩnh vực này tiết kiệm được 1% thì hiệu quả mang lại đã rất lớn, tương đương 1 nhà máy công suất 1.000 MW, ông Lâm cho hay.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/viet-nam-can-phat-trien-nang-luong-tai-tao-nhung-547507.html