Việt Nam cần sớm xây dựng bản đồ về những khu vực sinh thái tự nhiên
Với nhiều khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, giới chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam cần sớm xây dựng bản đồ của những khu vực sinh thái tự nhiên, để quản lý tốt hơn.
Nhằm thống nhất quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, theo giới chuyên gia quốc tế, Việt Nam cần sớm xây dựng bản đồ của những “Khu vực có biện pháp bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn thiên nhiên” (OECM) và đề xuất các cơ chế quản lý và quản trị tổng thể. Đây cũng là nền tảng để các bên liên quan thực hiện các cam kết đầy tham vọng của Việt Nam trong Công ước Đa dạng sinh học.
Tại Hội thảo tham vấn đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển OECM tại Việt Nam, diễn ra vào chiều 15/12, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh Việt Nam là đất nước có nhiều khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao như: Các vùng đất ngập nước quan trọng, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, những khu vực là đối tượng phục hồi hoặc tái thiết lập các chức năng hệ sinh thái tự nhiên...
Theo ông Tài, các khu vực trên có cơ hội để công nhận là các OECM. Đây là những khu vực được xác định về mặt địa lý, không phải là khu bảo tồn; được quản trị và quản lý nhằm đạt được kết quả tích cực và bền vững lâu dài về bảo tồn đa dạng sinh học tại chỗ. Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu và xây dựng khung pháp luật quy định việc thành lập và quản lý OECM như một cách tiếp cận bảo tồn mang tính sáng tạo.
Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên đồng thời là cơ quan đầu mối quốc gia của Công ước Đa dạng sinh học, trong thời gian qua, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã tham mưu xây dựng nhiều chính sách, góp phần kiện toàn hành lang pháp lý về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam.
Tuy vậy, để công tác bảo tồn đạt hiệu quả cao nhất, ông Tài bày tỏ mong muốn các đối tác, tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và cùng Việt Nam thực hiện các sáng kiến để triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học; cũng như thúc đẩy triển khai OECM trên toàn quốc, nhằm góp phần đạt được mục tiêu 30x30 nói riêng và mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu nói chung.
Về phía quốc tế, ông Jake Brunner - Giám đốc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) Khu vực hạ lưu Mekong, cho hay khác với các khu bảo tồn phải có mục tiêu chính là bảo tồn, các OECM có thể được quản lý với nhiều mục đích khác nhau nhưng phải đạt được mục tiêu bảo tồn hiệu quả và dài hạn.
Vì thế, theo ông Jake Brunner, việc thành lập các OECM không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế mà còn bảo vệ đa dạng sinh học của các sinh cảnh bị đe dọa (như những vùng núi đá vôi độc lập, các vùng đồng cỏ ngập lũ theo mùa, các vùng bãi triều ven biển) vốn chưa xuất hiện nhiều trong hệ thống các khu bảo tồn.
Bà Anja Barth, Cố vấn trưởng Dự án (GIZ) Việt Nam cũng cho biết thời gian qua, GIZ Việt Nam đã phối hợp cùng với Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Vụ Quản lý Rừng đặc dụng, phòng hộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tiến hành một nghiên cứu các khu vực, qua đó đã xác định được 9 hạng mục các khu vực tiềm năng trở thành OECM.
Các khu vực có tiềm năng được công nhận là OECM, được GIZ Việt Nam xác định, bao gồm: Rừng phòng hộ tự nhiên; vùng đệm của các khu bảo tồn; rừng sản xuất tự nhiên; khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu vực có độ đa dạng sinh học cao ngoài khu bảo tồn; hành lang đa dạng sinh học; khu đất ngập nước quan trọng; cảnh quan sinh thái quan trọng; khu du lịch quốc gia.
Theo đại diện GIZ Việt Nam, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần xây dựng bản đồ của những khu vực OECM và đề xuất các cơ chế quản lý và quản trị tổng thể.
“Với việc công nhận các OECM, Việt Nam sẽ đạt được bước tiến đáng kể đối với hệ thống các khu bảo tồn và bảo vệ. Đây chính là nền tảng để thực hiện các cam kết đầy tham vọng của Việt Nam trong Công ước Đa dạng sinh học và thực hiện Mục tiêu 30x30 tại Việt Nam,” bà Anja Barth nhấn mạnh.
Trong khi đó, Giám đốc Chương trình Bảo tồn các loài hoang dã (WWF-Việt Nam) Nguyễn Văn Tín cho rằng việc thực hiện OECM cần được tiếp cận một cách toàn diện, đảm bảo sự tham gia chủ động của cấp cơ sở và cộng đồng địa phương.
“WWF mong muốn phối hợp với các bên liên quan trong việc lựa chọn, thí điểm một số mô hình OECM ở khu vực Trung Trường Sơn, để đóng góp cho việc hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách cho các OECM của Việt Nam trong những năm tới,” ông Tín nói./.