Việt Nam cần tập trung cho chuỗi cung ứng để thu hút FDI chất lượng

Việt Nam muốn cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút FDI cần ưu tiên cho chuỗi cung ứng, tập trung 'cạnh tranh theo chiều sâu' thay vì cạnh tranh về giá, chi phí đầu vào, các chuyên gia khuyến cáo.

Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2024.

Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2024.

Việt Nam rộng cửa phát triển khu công nghiệp

Tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2024 được tổ chức chiều 31/7, các chuyên gia nhận định Việt Nam đang là điểm sáng thu hút FDI trên bản đồ thế giới dẫn đến nhu cầu bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.

Chia sẻ số liệu tổng quan thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, ông Tom Over - Giám đốc Vận tải và công nghiệp JLL Vietnam, Châu Á - Thái Bình Dương cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia nổi bật về thu hút FDI trong khu vực dẫn đến giá thuê đất khu công nghiệp (KCN) đang có xu hướng tăng trong nửa đầu năm nay.

Cụ thể, ở phía Bắc, mức giá cho thuê đất KCN ở thời điểm hiện tại khoảng 130 USD/m2/chu kỳ, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó mức giá thấp nhất là 85 USD/m2/chu kỳ, cao nhất là 175 USD/m2/chu kỳ. Tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 78,3%.

Thống kê giá thuê bất động sản công nghiệp những tháng đầu năm 2024 của JLL.

Thống kê giá thuê bất động sản công nghiệp những tháng đầu năm 2024 của JLL.

Tại khu vực phía Nam, giá thuê đang dao động ở khoảng 160 USD/m2/chu kỳ, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Mức giá thấp nhất là 100 USD/m2/chu kỳ, cao nhất khoảng 186 USD/m2/chu kỳ, tỷ lệ lấp đầy xấp xỉ 87,1%.

Về số lượng nhà kho, nếu như năm 2019 chỉ có khoảng 8,1 triệu m2, thì đến năm 2023 đã đạt 14,1 triệu m2, tỷ lệ lấp đầy cũng gần 100% và các tổ chức tham gia vào thị trường cũng ngày càng nhiều.

Tập trung cho chuỗi cung ứng, cạnh tranh theo chiều sâu trong thu hút FDI chất lượng

Với vai trò là doanh nghiệp tham gia trực tiếp trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh toàn quốc, công ty SLP Việt Nam – đơn vị chuyên cung cấp kho xưởng tại các KCN cũng đồng tình với ý kiến tương lai bất động sản Việt Nam có rất nhiều hứa hẹn.

Ông Nam cho biết, trong năm 2023 đã xuất hiện một số quan ngại về thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, nhưng 6 tháng đầu năm niềm tin đã quay trở lại.

Đại diện SLP thông tin thêm với diễn đàn do Báo Đầu tư tổ chức, hiện Việt Nam đang cạnh tranh với các nước trong khu vực khi một số nhà đầu tư lựa chọn Thái Lan và Malaysia, vì sự rõ ràng về những ưu đãi cho nhà đầu tư cùng giấy phép và nguồn lao động. Giá thuê kho xưởng của Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với các nước trên nhưng tỷ lệ lấp đầy tại các KCN lại rất tốt, chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với các dòng vốn FDI.

Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh toàn quốc, công ty SLP Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh toàn quốc, công ty SLP Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Dù vậy, ông Nam cũng lưu ý Việt Nam không nên thỏa mãn với những gì đã có mà phải luôn đổi mới để đón dòng vốn ngoại.

“Chúng ta cần chuyển dịch sang cạnh tranh về chiều sâu thay vì cạnh tranh về giá để thu hút những nhà đầu tư chất lượng, nâng tầm thị trường Việt Nam,” ông Nam nói.

Một trong những giải pháp được ông Nam nêu là ưu tiên cho chuỗi cung ứng thay vì tập trung giảm phí đầu vào. Một số nhà đầu tư chia sẻ với SLP rằng khi tổng hòa chi phí đầu tư sang Việt Nam chưa chắc đã rẻ hơn đầu tư tại Trung Quốc, một số ngành nghề đầu tư tại Việt Nam cao hơn Trung Quốc 1-2%.

Dự báo về sự phát triển các loại hình bất động sản công nghiệp trong thời gian tới, ông Nam nhận định, làn sóng Trung Quốc + 1 sẽ còn tiếp diễn trong khoảng 3 năm tới và phân khúc nhà xưởng, kho cho thuê sẽ bùng nổ, đặc biệt là các nhà kho cho thuê. Một số phân khúc khác như nhà xưởng 2 tầng và nhà xưởng xây theo yêu cầu sẽ nhận được nhiều sự quan tâm.

Đóng góp thêm ý kiến, ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc của Fraser Property Việt Nam cho biết trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, những lợi thế về chi phí, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị không chỉ có ở Việt Nam.

Chúng ta sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á vì vậy Việt Nam cần có lối đi riêng biệt để nâng cao lợi thế cạnh tranh, ông Dương nói.

Theo ông, một trong những yếu tố Việt Nam có thể tận dụng là đi theo hướng xanh hóa, tập trung phát triển công nghiệp xanh, các khu đô thị công nghiệp bền vững để tạo sự khác biệt trong thu hút đầu tư.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-ca-n-tap-trung-cho-chuoi-cung-ung-de-thu-hut-fdi-chat-luong-31833.html