Việt Nam cần thích ứng xu thế phát triển mới
Đồng hành với từng 'nhịp đập', 'hơi thở' của đất nước, ngành Ngoại giao thời gian qua đã chủ động, linh hoạt triển khai công tác ngoại giao kinh tế thích ứng với tình hình mới.
Trong khuôn khổ Hội nghị ngoại giao lần thứ 32, ngày 21.12, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị. Tham dự từ điểm cầu Tây Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, lãnh đạo Sở Ngoại vụ cùng các ban, ngành liên quan.
Đóng góp quan trọng của ngoại giao kinh tế
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành Ngoại giao trong thời gian qua đã khẳng định sự coi trọng cũng như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với công tác đối ngoại nói chung, ngoại giao nói riêng.
Từ Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021 và Hội nghị ngoại giao lần thứ 31 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, phức tạp, tác động nhiều chiều đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong bối cảnh đó, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, ngành Ngoại giao đã khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, cùng các cấp, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các trụ cột, binh chủng đối ngoại và ngoại giao.
Trong thành tựu chung to lớn đó của đối ngoại có đóng góp rất quan trọng của ngoại giao kinh tế. Quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội lần thứ XIII của Đảng về “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.
Thứ nhất, được tổ chức quán triệt, triển khai một cách đồng bộ và thống nhất các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về NGKT. Thứ hai, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vừa phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thứ ba, thực hiện tốt chủ trương “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” trong các hoạt động NGKT. Thứ tư, triển khai NGKT có nhiều đổi mới, sáng tạo hơn, phát huy được sức mạnh tổng hợp, hiệp đồng của các cấp, ngành.
Những thành quả to lớn cũng như từ toàn bộ hoạt động NGKT sôi động trong 3 năm qua đã mang lại cho ngành Ngoại giao nhiều bài học quý về triển khai đối ngoại và NGKT. Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, những bài học quý đó có được nhờ sự bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII, chiến lược và định hướng phát triển đất nước, đồng thời nhạy bén, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những vấn đề mới phát sinh. Bài học về giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, sáng suốt đánh giá diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, “biết thời, biết thế”, “biết mình, biết người”, tranh thủ thời cơ, hành động quyết liệt, hóa giải thách thức, “biến nguy thành cơ”.
Đó cũng là bài học về không ngừng đổi mới, sáng tạo về tư duy, nhận thức và phương thức triển khai trong thực tiễn. Trước những diễn biến phức tạp, chưa có tiền lệ của tình hình, đòi hỏi mạnh dạn tìm cách làm mới, hướng đi mới, mở rộng sang các lĩnh vực mới.
Chúng ta cũng đứng trước vận hội, thời cơ chiến lược để phát triển nhanh, bền vững đất nước. Các xu hướng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra cơ hội lớn để nước ta có thể đón đầu, phát triển vượt lên và tiến cùng thời đại.
Công tác ngoại giao kinh tế đã có một quá trình hình thành, phát triển hơn nửa thế kỷ, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước kể từ khi giành được độc lập. Đồng hành với từng “nhịp đập”, “hơi thở” của đất nước, ngành Ngoại giao thời gian qua đã chủ động, linh hoạt triển khai công tác ngoại giao kinh tế thích ứng với tình hình mới, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế, tạo nền tảng để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra những chủ trương, đường lối quan trọng đối với công tác đối ngoại nói chung và công tác NGKT nói riêng. Đại hội XIII khẳng định “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc” và xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
“Thập niên mất mát”
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng đánh giá, thế giới đang đối mặt “một thập niên mất mát”; sự phối hợp, phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng tăng, song độ tin cậy lẫn nhau lại giảm. Ông cũng chỉ ra ba xu hướng nổi trội mà Chính phủ và doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hết sức quan tâm:
Một là, xu hướng toàn cầu hóa, liên kết kinh tế thế giới đang thay đổi theo hướng tăng tính linh hoạt trong hợp tác thương mại, theo nhóm, theo khối, bảo hộ thương mại nhiều hơn. Do đó, doanh nghiệp đang tiếp tục dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất tới các quốc gia thân thiện, nội khối; tăng khả năng tự lực, tự cường trong nước để tăng khả năng ứng phó.
Hai là, xu hướng xanh hóa gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Ba là, kinh tế số, chuyển đổi số sẽ trở thành công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực chống chịu, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng hiệu suất chất lượng hiệu quả. Đây cũng là động lực tăng trưởng mới bao trùm và bền vững hơn.
“Những xu hướng mới đòi hỏi các quốc gia, khu vực không thể đứng yên, đứng riêng lẻ mà cần sự hợp tác, chia sẻ lợi ích, rủi ro ngày càng cao”. Về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng thông tin, doanh nghiệp nước này thường ưu tiên cao sự ổn định, theo dõi sát và nhạy bén về chính trị. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm vào các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, năng lượng xanh…
Đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo cho biết, một trong những ưu tiên hợp tác giữa nước ta với EU là chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. “Lãnh đạo EU đánh giá cao cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon. Chúng tôi kiến nghị cần giữ đà quan hệ với EU, giữ hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu cần đúng lĩnh vực, đúng đối tác, đúng thời điểm”. Năm 2017, tổng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU đạt 52 tỷ USD, lớn nhất khu vực Động Nam Á nhưng cũng chỉ chiếm 1,7% tổng nhu cầu nhập khẩu của EU. Đầu tư của EU vào Việt Nam chỉ 27 tỷ USD, thua xa một số nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, công tác NGKT đạt được 6 thành tựu nổi bật, gồm: Liên tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về NGKT, nắm chắc tình hình khu vực, thế giới, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách và thực hiện chính sách về NGKT. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy mạnh mẽ mối quan hệ giữa lấy nguồn lực bên trong với bên ngoài, từ đó, huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước. Góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như đại dịch, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó, góp phần quan trọng tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển để huy động nguồn lực. Thúc đẩy ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc với tinh thần “văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất, văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Thúc đẩy ngoại giao nhân dân, quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người dân với người dân, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ; thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các địa phương.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/viet-nam-can-thich-ung-xu-the-phat-trien-moi-a167270.html