Việt Nam cần xác định thể thao là trụ cột phát triển kinh tế quốc gia

Xác định lĩnh vực thể thao là một trong những trụ cột phát triển kinh tế quốc gia là nhận định chung của các diễn giả tại Hội thảo Diễn đàn Kinh tế Thể thao Việt Nam năm 2023.

Diễn đàn Kinh tế Thể thao 2023 quy tụ đông đảo chuyên gia, nhà quản lý hoạt động, nghiên cứu và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Diễn đàn Kinh tế Thể thao 2023 quy tụ đông đảo chuyên gia, nhà quản lý hoạt động, nghiên cứu và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Với chủ đề “Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ đổi mới”, sáng ngày 3/6, Diễn đàn Kinh tế Thể thao Việt Nam năm 2023 được Tổng cục Thể dục Thể thao, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Olympic Việt Nam và Công ty Vietcontent phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Diễn đàn Kinh tế Thể thao 2023 là "diễn đàn mở", quy tụ những quan điểm, ý kiến, chia sẻ, kinh nghiệm quý báu từ các cơ quan tổ chức, cá nhân hoạt động, nghiên cứu và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao như Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt; Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội-Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Công ty VSP - nhà đầu tư kinh doanh thể thao tại Việt Nam Lim Song... cùng chia sẻ, phân tích các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển nền kinh tế thể thao Việt Nam ở thời điểm hiện tại và tương lai.

Là một trong những diễn giả chính, ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao nhận định một trong những "nút thắt" của lộ trình phát triển kinh tế trong lĩnh vực thể thao tại Việt Nam là cách thức “định vị khách hàng tiềm năng,” cách thu hút người hâm mộ quan tâm đến các giải đấu và đặc biệt là cách thu hút các nhà tài trợ, tận dụng bản quyền truyền hình với hiệu quả tối đa.

"Thể thao Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh đặc biệt trong thời gian gần đây, mới nhất là thành tích lần đầu tiên xếp nhất toàn đoàn với 136 tấm huy chương Vàng ở kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài (Campuchia 2023). Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa huy động được hết các nguồn lực để giúp thể thao phát triển bền vững, đặc biệt là khi Thể thao Việt Nam đang nhắm đến những đầu trường lớn như ASIAD hay Olympic. Để phát triển nền kinh tế thể thao tại Việt Nam, việc định vị các giải đấu và cách thu hút tài trợ, khai thác bản quyền truyền hình để tạo ra dòng tiền đổ vào các giải đấu đóng một vai trò quan trọng," ông Đặng Hà Việt đặt vấn đề.

Ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (phải) chia sẻ quan điểm trong phiên thảo luận tại Diễn đàn. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (phải) chia sẻ quan điểm trong phiên thảo luận tại Diễn đàn. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết, hiện nay ở Việt Nam, có rất ít giải đấu tạo ra nguồn doanh thu lớn từ tài trợ hay từ bản quyền truyền hình - đáng kể chỉ có Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia V-League hay Giải Bóng rổ VBA.

"Chúng ta cần biết rằng, nguồn thu từ bản quyền truyền hình thường chiếm từ 50-70% doanh thu của giải đấu. Về vấn đề quản lý bản quyền truyền hình tại Việt Nam, các nhà quản lý ngành thể thao cần có phương hướng xử lý triệt để để đảm bảo quyền lợi cho các Đài truyền hình sở hữu bản quyền các giải đấu. Ngoài ra, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kêu gọi ý thức tôn trọng, bảo vệ bản quyền truyền hình. Những trường hợp vi phạm cần phải có các biện pháp xử lý 'mạnh tay' để tránh gây ảnh hưởng tới các giải đấu ở nhiều bộ môn, liên đoàn," ông Đặng Hà Việt nhận định.

Tại Diễn đàn, những lát cắt về các vấn đề trong kinh tế thể thao được gợi mở với phần trình bày, bàn luận của các nhà chuyên môn, các diễn giả dựa trên cơ chế chính sách về thể thao; thực trạng thể thao Việt Nam; dòng tiền trong kinh tế thể thao với trung tâm là giải đấu thể thao; kinh nghiệm và bài học thành công từ các mô hình kinh tế thể thao ở các nước trên thế giới; các giải đấu phong trào và những vấn đề liên quan đến thể thao học đường...

Thông qua Diễn đàn, những nhà quản lý, chuyên gia thể thao tại Việt Nam mong rằng những đóng góp về góc nhìn, quan điểm và phương thức xử lý các vấn đề lớn trong quản lý, xây dựng, thiết lập nền kinh tế thể thao Việt Nam sẽ được các lãnh đạo ngành, các bộ, ngành liên quan lắng nghe, cùng đồng hành với các hội thể thao quốc gia, từ đó hoạch định ra tầm nhìn chiến lược cho nền kinh tế thể thao tại Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyên nghiệp hóa-xã hội hóa thể dục thể thao để xây dựng một nền kinh thế thể thao Việt Nam vững chắc, hiện đại và cởi mở trong thời kỳ đổi mới./.

Việt Anh (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-can-xac-dinh-the-thao-la-tru-cot-phat-trien-kinh-te-quoc-gia/866174.vnp