Việt Nam chi 54,3 tỷ USD nhập máy vi tính, điện tử và linh kiện

Tính đến ngày 15/7, cả nước đã chi 54,3 tỷ USD để nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 12 tỷ USD so với cùng kỳ (tương đương tăng 28,4%).

Tín hiệu phục hồi của sản xuất và xuất khẩu vẫn đang được duy trì tích cực khi nhìn vào mức chi ngoại tệ để nhập khẩu máy móc, thiết bị và một số nhóm hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu, đặc biệt với các nhóm hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn như điện tử; điện thoại và linh kiện.

Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2024, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 5 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ đầu năm đến 15/7 đạt 54,3 tỷ USD (tương đương hơn 1,36 triệu tỷ đồng).

So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này tăng 28,4% (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 12 tỷ USD).

Đáng chú ý, theo báo Công Thương, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm đến 27,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Nhập khẩu máy tính, linh kiện, điện tử - mặt hàng xuất khẩu chủ đạo- tăng trưởng mạnh là tín hiệu vui đối với nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Nhập khẩu máy tính, linh kiện, điện tử - mặt hàng xuất khẩu chủ đạo- tăng trưởng mạnh là tín hiệu vui đối với nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Nếu duy trì kết quả này từ nay đến cuối năm 2024, cả năm nay, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện khả năng cán mốc 100 tỷ USD.

Về thị trường, Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường nước ta nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhiều nhất. Trong đó, thị trường Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch xấp xỉ 16 tỷ USD, tăng mạnh 60% (tương đương gần 6 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023.

Trong khi đó, nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt 14,77 tỷ USD, tăng 18,16% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng 2,27 tỷ USD).

Với 30,77 tỷ USD, riêng 2 thị trường lớn ở châu Á chiếm đến 56,67% tổng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng cao cho thấy nền sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành này trong nước đang có sự phục hồi mạnh mẽ.

Trong bối cảnh này, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, sự phục hồi này góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, tác động lan tỏa đến phát triển các ngành liên quan.

"Tăng trưởng kim ngạch trong xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện sẽ bổ sung nguồn thu ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và là nền tảng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước thời gian tới", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá.

Tuy nhiên, theo VTV, điều đáng nói là thực tế, đến nay ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), có tới gần 95% giá trị xuất khẩu hàng điện tử nằm trong tay doanh nghiệp FDI và tỉ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, dưới 10%.

Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng phần lớn cung cấp các sản phẩm hàm lượng công nghệ, giá trị thấp.

Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trong nước cần tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện thực sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập và tận dụng hiệu quả cơ hội để làm chủ "sân nhà" rất cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Chính phủ cần quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng; đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong xuất khẩu; cần có kế hoạch phát triển dài hạn, chú trọng tới sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá…; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, thúc đẩy chuyển đổi số", ông Quốc Anh khuyến nghị.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/viet-nam-chi-543-ty-usd-nhap-may-vi-tinh-dien-tu-va-linh-kien-20424072310395155.htm