Việt Nam chung tay cùng ASEAN và Nhật Bản phát triển du lịch bền vững
Lãnh đạo ngành du lịch Việt cam kết hợp tác liên tục và chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản để thúc đẩy trao đổi du lịch lẫn nhau, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của ngành.
Du lịch hiện đang phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức, trở ngại có thể cản trở quá trình phục hồi cũng như phát triển trong tương lai, bao gồm cả những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng dẫn đến các mô hình du lịch không thể đoán trước. Việc phục hồi kinh tế chậm ảnh hưởng đến thu nhập, khiến du khách cắt giảm nhu cầu với các hoạt động và dịch vụ quan trọng. Vì thế, Việt Nam kêu gọi các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản trong quan hệ đối tác và hợp tác, phối hợp chặt chẽ để vượt qua những thách thức này.
Đây là nội dung được Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ông Hà Văn Siêu đưa ra tại “Đối thoại đặc biệt giữa Bộ trưởng Du lịch ASEAN-Nhật Bản” và thảo luận “ASEAN-Nhật Bản 50 năm tới: Cùng nhau thiết lập con đường hướng tới du lịch bền vững,” vừa diễn ra cuối tuần qua, tại Tokyo, Nhật Bản.
Chung tay vì du lịch bền vững
Đại diện các quốc gia tham dự đối thoại đều thống nhất về thúc đẩy du lịch bền vững thông qua tăng cường các hoạt động quảng bá đổi mới cho du lịch bền vững đồng thời nêu bật những điểm du lịch văn hóa và thiên nhiên độc đáo của ASEAN và Nhật Bản.
Các thành viên cũng cho rằng cần thúc đẩy sự đóng góp của ngành du lịch đối với việc đạt phát thải ròng bằng 0 (net zero) trên toàn cầu, thông qua việc sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường tại các điểm đến; ứng dụng năng lượng tái tạo trong các ngành liên quan đến du lịch; triển khai hệ thống quản lý chất thải bao gồm giảm thiểu rác thải nhựa và thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm; đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tác động đối với hệ sinh thái du lịch.
Theo các Bộ trưởng, đại diện các cơ quan quản lý du lịch… các nước cần nâng cao trải nghiệm, thuận tiện cho khách du lịch và khuyến khích khám phá nhiều hơn các dịch vụ du lịch đang ít được biết đến, đồng thời tăng năng suất và lợi nhuận cao hơn trong toàn ngành thông qua phát triển các điểm đến chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi số.
Đại diện các tổ chức du lịch cũng cho rằng cần tạo ra cơ hội việc làm liên quan đến du lịch cho cộng đồng, giúp thu hẹp chênh lệch về kinh tế, trao quyền cho tài năng địa phương, tăng cường hòa nhập xã hội và xóa đói giảm nghèo; khuyến khích sử dụng dữ liệu để giám sát và phát triển các chiến lược du lịch nhằm phát triển du lịch cộng đồng.
Theo các chuyên gia, sau những ảnh hưởng từ đại dịch vừa qua, cần tăng cường dự báo các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn trong tương lai và thực hiện các sáng kiến nhằm nâng cao khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch trong khu vực.
Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần tăng cường các sáng kiến xây dựng năng lực và chia sẻ kiến thức về du lịch bền vững thông qua việc trao đổi các kinh nghiệm điển hình và chuyên môn kỹ thuật, triển khai các chương trình đào tạo nhằm xây dựng kỹ năng và năng lực cho người lao động du lịch và các bên liên quan; khuyến khích sự hợp tác giữa các chính phủ, khu vực tư nhân và các bên liên quan nhằm thúc đẩy đổi mới, đầu tư để thực hiện các sáng kiến du lịch bền vững.
Về tăng cường giao lưu, trao đổi khách, các nước đều nhận thấy có thể thúc đẩy trao đổi khách lẫn nhau thông qua các sáng kiến như: Khuyến khích phát triển các sản phẩm hấp dẫn du khách về những trải nghiệm đích thực của ASEAN và Nhật Bản thông qua các hoạt động đa dạng, thiên nhiên, ẩm thực và văn hóa đồng thời đảm bảo môi trường an toàn cho khách du lịch…
Tôn trọng những khác biệt
Trong khuôn khổ cuộc đối thoại, các quốc gia thành viên ASEAN cũng thảo luận về thúc đẩy du lịch bền vững và tăng cường trao đổi khách; trong đó Việt Nam đã chia sẻ về tình hình phục hồi du lịch sau đại dịch và kinh nghiệm phục hồi du lịch bền vững.
Đại diện các quốc gia chung nhận định đại dịch đã khiến du lịch thế giới hoàn toàn thay đổi. Theo đó, nhiều sáng kiến, nỗ lực đổi mới sáng tạo đã được thực hiện nhằm tái thiết nền kinh tế Xanh và định hình lại tương lai ngành này theo hướng bền vững như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, du lịch thông minh, du lịch Xanh...
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết dưới góc độ du lịch bền vững, Việt Nam tin rằng sự bền vững về văn hóa cần được đặt lên hàng đầu trong tổng thể hài hòa với kinh tế và môi trường.
Văn hóa là nguồn lực to lớn và vô giá để phát triển du lịch. Việc tôn trọng sự khác biệt và đa dạng văn hóa bản địa của các nước ASEAN và Nhật Bản có thể tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và không thể so sánh được, từ đó có thể phát triển hơn nữa sức hấp dẫn riêng của mỗi quốc gia, người dân và cộng đồng của họ.
“Các nền văn hóa đa dạng thu hút khách du lịch đến các nước ASEAN và Nhật Bản đồng thời mang đến những trải nghiệm đa dạng cho khách du lịch, khuyến khích nhiều hoạt động du lịch hơn với những ấn tượng hài lòng, lưu trú lâu hơn và hình ảnh điểm đến tích cực,” ông Siêu nói.
Trong giai đoạn phục hồi vừa qua, kinh nghiệm phát triển du lịch của Việt Nam cho thấy cần coi trọng nội địa và quốc tế như nhau. Ngoài ra, giải trí về đêm, du lịch vùng sâu vùng xa, nông thôn… đặc biệt là nền văn hóa đa dạng, độc đáo của 54 dân tộc thiểu số với bản sắc riêng có chính là tiềm năng lớn để phát triển.
Hiện Việt Nam đang tập trung chuyển đổi số trong du lịch nhằm tạo hệ sinh thái du lịch thông minh, do đó Phó Cục trưởng cho biết Việt Nam mong đợi nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc thiết lập dữ liệu lớn du lịch, giải pháp du lịch thông minh, ứng dụng du lịch, bản đồ số thắng cảnh, ẩm thực…
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định Việt Nam cam kết hợp tác liên tục và chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản để thúc đẩy trao đổi du lịch lẫn nhau, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của ngành đồng thời tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tạo lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường./.
Sự kiện tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN-Nhật Bản, do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản phối hợp với Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào (với vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN) tổ chức, với sự tham gia của các Bộ trưởng, cơ quan quản lý du lịch và đại diện các Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hiệp hội Lữ hành châu Á-Thái Bình Dương (PATA), Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC).