Việt Nam có cơ hội thành trung tâm xe điện của Đông Nam Á
Ngày 15/11, tại TP.HCM diễn ra Hội thảo giải pháp công nghệ thiết bị, dụng cụ chuyên nghiệp cho bảo dưỡng, sửa chữa và sạc xe ô tô điện.
Xe điện tại Việt Nam chuyển mình theo mục tiêu Netzero 2050
Hội thảo có sự tham dự của các PGS, TS, giảng viên của các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề khu vực miền Nam cùng hơn 150 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực cung ứng các dịch vụ trong ngành ô tô.
Thông tin tại hội thảo, đại diện Công ty TNHH Thiết bị Tân Phát Sài Gòn cho biết, trong những năm gần đây, thị trường xe điện cũng như cơ sở hạ tầng cho xe điện đang chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển giao thông xanh nhằm đáp ứng mục tiêu đạt Netzero 2050 mà Chính phủ đề ra.
Để nắm bắt những cơ hội từ sự tăng trưởng này và nhu cầu về dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe điện ngày càng tăng đòi hỏi các đơn vị làm dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phải không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, phù hợp.
Trên thế giới, xe điện đã xuất hiện từ những năm 2015 với khoảng 600 nghìn xe, đến năm 2024 đã đạt được 15,7 triệu xe và dự kiến 2025 toàn cầu có khoảng 19,5 triệu xe.
Đặc biệt, ở thị trường Trung Quốc, đến tháng 7/2024 tỉ lệ xe điện đã tăng vọt lên 51%. Tại thị trường Việt Nam, xe điện bắt đầu xuất hiện từ năm 2022, đến tháng 7/2024 đã đạt 12%.
Ngày 22/7/2022, Chính phủ Việt Nam cũng đã đặt ra lộ trình trong công cuộc "Chuyển đổi xanh", cụ thể đến năm 2025, 100% xe buýt lưu thông sẽ chuyển đổi sang xe điện. Năm 2030, 100% xe taxi sẽ chuyển sang xe điện, năm 2040 dừng sản xuất và nhập khẩu xe sử dụng nhiều liệu hóa thạch. Năm 2050, tất cả 100% phương tiện giao thông sẽ chuyển đổi sang xe điện.
Để phát triển hạ tầng cho giao thông xanh tại Việt Nam, tiến tới đạt mục tiêu NET ZERO 2050, vai trò của các cơ sở, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cho xe ô tô là rất lớn.
PGS.TS Nguyễn Phụ Thượng Lưu (trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương) chia sẻ, tại thị trường Việt Nam, các dòng xe điện EV, Hybrid đang phủ sóng ở nhiều motor show.
Đến tháng 11/2024, Vinfast đã bàn giao 51.000 xe ô tô điện tại hơn 100 đại lý trên cả nước. Nhiều hãng xe lớn cũng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Điển hình như: BYD đã mở 36 đại lý (tính đến tháng 11/2024; mục tiêu đến 2026 sẽ có 100 đại lý. Link & co xây dựng nhà máy lắp ráp tại Thái Bình, vốn đầu tư 168 triệu USD, công suất 75.000 xe/năm. Các hãng xe điện Wulling, Huyndai, Aion… cũng đang tăng tốc hiện diện ở nước ta.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Phụ Thượng Lưu, cùng với lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông để giảm phát thải, nhu cầu mua ô tô điện của người dân đang tăng cao. Song, cơ sở hạ tầng dành cho ô tô điện còn nhiều hạn chế.
Cùng với đó, thói quen sử dụng nhiên xe ô tô động cơ đốt trong truyền thống phổ biến khiến nhiều hãng xe thương hiệu lớn như Toyota, Ford… chỉ đang "làm quen" ở dòng sản phẩm Hybrid.
Tuy nhiên, với chủ trương phát triển giao thông xanh của Chính phủ, bằng nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, Việt Nam đang đứng trước tiềm năng trở thành trung tâm xe điện của Đông Nam Á.
Hơn 20 năm để Trung Quốc thành "gã khổng lồ"
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Lê Văn Cường, Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Công nghệ Ô tô Đại học Bình Dương thông tin, Trung Quốc - nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới năm 2022 chiếm 59% doanh số xe điện toàn cầu. Trong đó, dòng xe năng lượng mới tăng 82%, đạt hơn 6 triệu xe. Năm 2023, đã tăng lên 8,4 triệu và vẫn chiếm 59% toàn cầu, đã trở thành "gã khổng lồ"…
Trong năm 2023, Chính phủ Trung Quốc công bố gói ưu đãi thuế mở rộng 4 năm cho khách hàng mua xe điện với giá trị hơn 72 tỷ USD. Mức hỗ trợ sẽ còn một nửa trong 2026 và 2027.
Nhà sản xuất cũng hưởng lợi, như năm 2023, có 5 trong số 10 hãng xe nhận được phần lớn trợ cấp từ chính phủ trong nửa đầu năm là các nhà sản xuất xe điện và pin xe điện nội địa. BYD - hãng sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc nhận được hơn 244 triệu USD, trong khi SAIC có hơn 275 triệu USD.
Trung Quốc đưa công nghệ xe điện thành dự án nghiên cứu khoa học ưu tiên trong kế hoạch 5 năm - bắt đầu của chiến lược kinh tế cấp độ cao. Năm 2007, Wan Gang – (kỹ sư của Audi Đức và chuyên về xe điện) được chỉ định là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ. Sức ảnh hưởng của Wan thấy rõ qua sự ưu tiên nhất quán đối với xe điện.
Chính phủ hỗ trợ phát triển thông qua một loạt chính sách ưu đãi giúp thúc đẩy cả cung và cầu. Trong giai đoạn 2009 - 2022, đã chi hơn 28 tỷ USD vào các chương trình hỗ trợ và giảm thuế. Năm 2022, khách hàng mua xe điện có thể hưởng lợi từ việc bồi hoàn đến 8.000 USD.
Quốc gia này ưu tiên và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho xe điện. Trung Quốc có 1,8 triệu điểm sạc xe điện công cộng, nhiều hơn 14 lần so với ở Mỹ (trong khi dân số chỉ hơn 4 lần). Tập đoàn điện lực là nhà cung cấp lớn điểm sạc và phối hợp với chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho tài xế sạc điện.
Trung Quốc còn đi đầu trong lĩnh vực sản xuất pin xe điện. Pin chiếm khoảng 40% chi phí của một xe điện mới, quốc gia này tập trung vào phát triển công nghệ phù hợp. Xe điện phương Tây vốn chuộng pin hỗn hợp nickel, mangan và cobalt (NMC), với hành trình dài hơn và hiệu suất cao hơn. Trung Quốc ưu tiên pin sử dụng hợp chất lithium-iron phosphate (LFP) - rẻ hơn và đảm bảo hơn.
Bằng việc tập trung vào cải tiến pin LFP, hãng CATL nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới, với hơn 33% thị trường toàn cầu. Năm 2022, đứng thứ hai là BYD cùng một đối thủ rất mạnh từ Hàn Quốc là LGES.
Lộ trình phát triển xe điện ở Trung Quốc được chia thành nhiều giai đoạn rõ ràng, cụ thể mang tính chiến lược, chẳng hạn như: giai đoạn khởi đầu và định hướng (bắt đầu từ năm 2001); giai đoạn khuyến khích và thí điểm; giai đoạn mở rộng và phát triển thị trường; giai đoạn bùng nổ và cạnh tranh quốc tế. Đến năm 2024, BYD đã vượt Tesla về doanh số bán xe điện trên toàn cầu.