Việt Nam có hệ thống giáo dục thuộc nhóm tốt nhất thế giới
Mặc dù GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực như Malaysia và Thái Lan nhưng con cái của các gia đình ở Việt Nam lại đang được hưởng 'một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới'.
Đây là đánh giá được trang tin Sputnik Tiếng Việt (sputniknew.vn) dẫn từ các nguồn: Ngân hàng Thế giới (WB), Economist, Trường Kinh tế Stockholm, Trung tâm Phát triển toàn cầu… nêu trong bài viết "Việt Nam có hệ thống giáo dục thuộc nhóm tốt nhất thế giới, bí mật là gì?" đăng ngày 3/7/2023.
Theo bài viết, chất lượng của giáo dục Việt Nam được phản ánh qua thành tích xuất sắc trong các cuộc đánh giá quốc tế về đọc, toán học và khoa học.
Thành công của giáo dục Việt Nam
Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới, xét về tổng điểm học tập, sinh viên Việt Nam không chỉ vượt trội so với các học sinh ở Malaysia và Thái Lan mà còn cả ở Anh và Canada, những quốc gia giàu hơn Việt Nam nhiều lần.
Còn ở trong nước, điểm số của học sinh cũng không cho thấy sự bất bình đẳng phổ biến giữa các giới tính và các vùng miền khác nhau.
Xu hướng học tập của một đứa trẻ là kết quả của nhiều yếu tố, bắt đầu từ gia đình và môi trường mà các em lớn lên. Tuy vậy, điều đó không đủ để giải thích thành tích xuất sắc của Việt Nam.
Theo Economist, "bí mật tạo nên sự khác biệt nằm ngay ở lớp học: Trẻ em học nhiều hơn ở trường, nhất là trong những năm đầu đời".
Vào năm 2020, nghiên của tác giả Abhijeet Singh (Trường Kinh tế Stockholm) đánh giá các trường học ở Việt Nam có hiệu quả cao hơn thông qua việc kiểm tra dữ liệu từ các bài kiểm tra giống hệt nhau do học sinh ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam thực hiện.
Abhijeet Singh nhận thấy trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 5 - 8 tuổi luôn dẫn đầu trong nhóm. Thêm 1 năm học ở Việt Nam sẽ giúp tăng khả năng giải một bài toán nhân đơn giản lên 21 điểm phần trăm (với Ấn Độ, mức tăng chỉ là 6 điểm phần trăm).
Bên cạnh đó, chất lượng trường học Việt Nam, không như ở các nước nghèo khác, đã được cải thiện theo thời gian.
Một nghiên cứu của các tác giả tại Trung tâm Phát triển toàn cầu (tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, D.C) công bố năm 2022 đã phát hiện ở 56/87 quốc gia đang phát triển, chất lượng giáo dục đã xuống cấp kể từ những năm 1960. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia nơi các trường học luôn đi ngược lại xu hướng này.
Bí mật của Việt Nam là gì?
Lý do lớn nhất nằm ở các giáo viên. Họ không nhất thiết phải có trình độ tốt hơn nhưng lại thực sự hiệu quả hơn trong giảng dạy.
Một nghiên cứu so sánh học sinh Ấn Độ với học sinh Việt Nam cho rằng phần lớn sự khác biệt về điểm số trong các bài kiểm tra toán là do chất lượng giảng dạy.
Giáo viên Việt Nam làm tốt công việc của họ bởi họ được quản lý tốt, được đào tạo thường xuyên và được tự do làm cho không khí lớp học trở nên hấp dẫn hơn.
Để giải quyết sự bất bình đẳng trong khu vực, những người được cử đến vùng sâu, vùng xa công tác được trả lương cao hơn. Ngoài ra, giáo viên còn được tuyên dương, khen thưởng dựa trên thành tích học tập của học sinh.
Theo Economist, trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của giáo dục Việt Nam, phải nhắc đến sự quan tâm đặc biệt của Đảng Cộng sản Việt Nam dành cho giáo dục.
Trong đó, các tỉnh, thành phố được yêu cầu dành 20% ngân sách của họ cho giáo dục, điều này giúp ích cho sự công bằng về vùng miền.
"Việc Đảng dành sự quan tâm sâu sắc và không ngừng như vậy cho giáo dục cũng đảm bảo rằng các chính sách được điều chỉnh để cập nhật chương trình và tiêu chuẩn giảng dạy", theo Economist.
Sputnik dẫn lời một chuyên gia làm việc tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề cập tới thành công của giáo dục Việt Nam khi cho biết "các bậc cha mẹ dù nghèo vẫn bỏ tiền ra cho con học thêm. Ở các thành phố, nhiều người tìm kiếm những trường có giáo viên dạy giỏi".
Tất cả những điều này đã đưa giáo dục Việt Nam gặt hái được những thành công ngoài mong đợi và khi các trường học được cải thiện, nền kinh tế Việt Nam cũng được cải thiện.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ