Việt Nam có nguồn nhân lực tốt và nên có thương hiệu 'Made in Việt Nam' mạnh
Phát biểu bên lề Hội nghị 'Gặp mặt các Đại sứ Trung Đông và châu Phi tại Việt Nam năm 2019' diễn ra ngày 9/9 tại Hà Nội, các đại biểu và đại sứ đã chia sẻ về hợp tác với Việt Nam những năm qua, cũng như triển vọng hợp tác trong thời gian tới.
Ông Adib Kouteili – Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc công ty Thép PEB Steel Buildings từ Lebanon: Cần xây dựng thương hiệu "Made in Vietnam" mạnh
PEB Steel, doanh nghiệp duy nhất có gian hàng tại khu vực trưng bày của Hội nghị, hiện đã đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và có nhà máy tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, Vũng Tàu.
Ông Kouteile khẳng định: "Khi chúng tôi tìm kiếm thị trường, đội ngũ sản xuất và kỹ thuật, Việt Nam có nguồn nhân lực rất tốt. Mọi người đều nói Việt Nam bảo đảm rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng với tốc độ cao nhất khu vực trong vòng 10 năm tới. Năm nay là 2019, vậy đến 2029, kinh tế Việt Nam vẫn liên tục đi lên. Nhưng tôi cũng có một điều muốn chia sẻ, đó là Việt Nam cần xây dựng thương hiệu 'Made in Việt Nam' mạnh hơn nữa".
Theo ông Adib Kouteili, "các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Singapore… đều có các thương hiệu mạnh, được cả thế giới biết đến. Việt Nam có nhân lực tốt, có cơ sở hạ tầng đang phát triển, sản xuất ra nhiều sản phẩm tốt, nhưng Việt Nam chưa có một thương hiệu 'Made in Vietnam' nào có sức mạnh ở tầm thế giới. Các bạn cần xây dựng những thương hiệu như vậy. Theo tôi, muốn vậy, các nhà lãnh đạo nên coi họ là các CEO của doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo Singapore coi họ là các CEO, vì thế họ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp".
Cũng bên lề Hội nghị, phóng viên báo Tin tức đã có các cuộc phỏng vấn nhanh Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Mahmoud Nassan Nayel, Đại sứ Tanzania Mbelwa Kairukiv và một số đại diện doanh nghiệp Trung Đông về triển vọng hợp tác thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia Trung Đông, châu Phi trong thời gian tới.
Đại sứ Ai Cập: Tôi tin tưởng quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh
Đại sứ Ai Cập Nassan Nayel chia sẻ: "Ai Cập có nhiều khu kinh tế, nơi chúng tôi đang cố gắng thu hút đầu tư từ Việt Nam. Việt Nam đang đạt được nhiều lợi ích từ nguồn đầu tư nước ngoài vào trong nước và đây là một lợi thế của các bạn. Đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tới làm ăn tại Việt Nam".
Ông Nassan Nayel đánh giá "quan hệ hợp tác thương mại giữa Ai Cập và Việt Nam đã phát triển mạnh trong 3 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại đã tăng tới 100% chỉ trong 3 năm qua và riêng năm ngoái tăng 25%. Do đó, tôi tin tưởng quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới".
Đại sứ Tanzania Mbelwa - Kairuki:
Về phần mình, Đại sứ Tanzania Mbelwa - Kairuki đánh giá Việt Nam và Tanzania đã có mối quan hệ tốt đẹp trong 50 năm qua, nhưng chủ yếu là mối quan hệ chính trị. Những năm gần đây, quan hệ song phương mới được mở rộng sang lĩnh vực kinh tế. Tanzania nằm trong số ít các quốc gia mà các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel đang đầu tư. Doanh nghiệp các bạn không chỉ đang tạo ra nhiều việc làm, cho 3.000 người, trong đó có 1.000 lao động trực tiếp, mà còn mở rộng mạng lưới viễn thông ở đất nước chúng tôi. Tanzania đang được kết nối với một mạng lưới viễn thông đáng tin cậy. Bên cạnh đầu tư, Việt Nam cũng đang là nhà nhập khẩu hàng đầu các sản phẩm của Tanzania. Chúng tôi vô cùng vui mừng khi nông dân Tanzania đang được hưởng lợi từ hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Sắp tới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ thăm Tanzania, dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Việt Nam. Chuyến thăm này sẽ mở ra những cơ hội mới để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước".
Ông Maher Al Arayssi - Trưởng Văn phòng đại diện, Giám đốc Thu mua tại Việt Nam của Công ty C-Food International, có trụ sở chính tại Beirut, Lebanon
Đánh giá về triển vọng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông, ông Al Arayssi cho biết: Ông hy vọng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Đông, giữa Việt Nam và Lebanon sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. Công ty C-Food đã có mặt tại Việt Nam khá lâu, tham gia nhiều hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm, trong đó có thủy sản từ Việt Nam sang nhiều quốc gia khác. Việt Nam có nhiều sản phẩm thực phẩm chất lượng cao. Thủy sản của Việt Nam rất phong phú và chất lượng tốt. Ông hy vọng lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Việt Nam của Saudi Arabia sẽ sớm được dỡ bỏ.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Hội nghị "Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019" đã khai mạc tại trụ sở Bộ Ngoại giao, với sự tham dự của các Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường trú, Lãnh sự danh dự của các quốc gia Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam; đại diện một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế lớn (Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, JICA…); nhiều Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp hai bên.
Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị "Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi", nhằm tăng cường kết nối và phát huy hơn nữa vai trò của các Cơ quan đại diện ngoại giao các quốc gia Trung Đông-châu Phi tại Việt Nam. Hội nghị sẽ kéo dài tới ngày 10/9.