Việt Nam có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân

Chiều 25/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân (JINR) tổ chức phiên họp Ủy ban Đại diện toàn quyền các quốc gia thành viên.

Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Đại diện toàn quyền các quốc gia thành viên JINR chiều 25/11 tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Chi)

Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân (JINR) là tổ chức nghiên cứu khoa học liên Chính phủ hiện gồm 18 nước thành viên và 6 nước quan sát viên. Năm 1956, Việt Nam chính thức gia nhập JINR.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS VS Châu Văn Minh cho biết, ngay từ những ngày đầu được giao làm Đại diện toàn quyền, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học của JINR trong các lĩnh vực vật lý lý thuyết, vật lý hạt cơ bản, vật lý neutron, vật lý hạt ion nặng, vật lý chất rắn...

JINR đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu hạt nhân và đặc biệt đào tạo nhiều cán bộ khoa học trình độ cao cho Việt Nam nói chung và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói riêng. Nhiều cán bộ, nghiên cứu viên Việt Nam sau khi hoàn thành khóa đào tạo tại JINR đã tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu hạt nhân tại Việt Nam và giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

“Thông qua hợp tác với JINR, trong hơn 60 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ lớn mạnh trong lĩnh vực vật lý nói chung và vật lý hạt nhân nói riêng, tạo cơ sở để triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu vật lý hạt nhân với nhiều tổ chức nghiên cứu trên thế giới”, GS VS Châu Văn Minh khẳng định.

Diễn ra từ ngày 21-26/11, Phiên họp Ủy ban Đại điện toàn quyền các quốc gia thành viên có sự tham dự của 84 đại biểu, trong đó có đại diện toàn quyền của 16 quốc gia thành viên (Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Cuba, Czech, Georgia, Kazakhstan, Moldova, Mongolia, Ba Lan, Romania, Nga, Slovakia, Ukraine, Việt Nam), 4 nước quan sát viên (Ai Cập, Serbia, Italia, Nam Phi) và khách mời từ Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu.

Tại Phiên họp, Ủy ban tài chính đã báo cáo kết quả hoạt động kiểm toán 2018, dự thảo ngân sách của JINR cho năm 2020 và đóng góp của các quốc gia thành viên cho các năm 2021, 2022, 2023; Ủy ban Đại diện toàn quyền báo cáo tổng kết hoạt động năm 2019, dự thảo kế hoạch hoạt động chiến lược của JINR trong thời gian tới.

“Phiên họp là dịp để đại diện các quốc gia thành viên thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác và phát huy thế mạnh của các nước thành viên, góp phần nâng cao chất lượng và phát triển Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân”, GS VS Châu Văn Minh nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ phiên họp, đại diện toàn quyền và thành viên các đoàn đại biểu đã đóng góp ý kiến về vấn đề xây dựng quy chế tài chính cho hoạt động nghiên cứu và hợp tác các nước thành viên, kế hoạch phát triển chương trình nghiên cứu lớn của JINR.

Ủy ban Đại diện toàn quyền cũng đánh giá cao những ý kiến của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm các quốc gia thành viên cũng như hoạt động hợp tác giữa các quốc gia thành viên, góp phần nâng cao chất lượng và phát triển JINR trong thời gian tới.

Vân Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-co-nhieu-dong-gop-trong-linh-vuc-nghien-cuu-hat-nhan-105102.html