Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh

Dù đang chịu tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế song Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh.

Không chuyển đổi xanh sẽ khó tạo được cạnh tranh

Tại diễn đàn Thương mại xanh năm 2023 với chủ đề “Thương mại xanh - Thách thức và Triển vọng phát triển của doanh nghiệp”, do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Saigon Co.op và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14/6, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Hiện nay tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững trở thành xu thế tất yếu của thế giới. Các nhà đầu tư những năm gần đây khi đến với TP. Hồ Chí Minh luôn đặt câu hỏi về năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh. Bởi nếu không đáp ứng được các tiêu chí xanh thì sản phẩm của họ sản xuất ra không thể xuất khẩu vào các thị trường châu Âu và các nước phát triển khác.

Theo ông Võ Văn Hoan, không cần phải tới năm 2050, mà ngay từ bây giờ chúng ta đã đứng trước nguy cơ tụt hậu trong thu hút đầu tư nước ngoài sụt giảm nếu như không chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Khi đó sản xuất hàng hóa không đưa ra được thị trường thế giới, thì không thể hội nhập, tăng trưởng.

Các doanh nghiệp trao đổi về cơ hội và triển vọng phát triển kinh tế xanh

Các doanh nghiệp trao đổi về cơ hội và triển vọng phát triển kinh tế xanh

Bàn về kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển xanh cho doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế. Dù vậy, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và lợi thế cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh.

Trên thực tế, tại Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp nắm bắt và hoạch định chiến lược kinh doanh theo tiêu chuẩn xanh. Trong đó ở lĩnh vực sản xuất, Vinamilk là một ví dụ.

Ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)- cho biết: công ty đã đề ra lộ trình tiến đến Net Zero 2050, trong đó 4 lĩnh vực trọng tâm là chăn nuôi bền vững, sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững, logistics thân thiện môi trường.

Các thực hành phát triển bền vững góp phần giảm thiểu dấu chân carbon. Đó là đo lường, kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064; giảm thải và đầu tư vào công nghệ thân thiện môi trường. Đồng thời vận dụng kinh tế tuần hoàn, sử dụng chất thải từ trang trại để làm hệ thống biogas, biến chất thải thành tài nguyên (phân bón, nước, khí đốt…) và trả lại dinh dưỡng hữu cơ tự nhiên cho đất, tạo thành vòng tuần hoàn tái tạo đất… Nhờ chủ động chuyển đổi xanh mà công ty ngày càng mở rộng thị phần trên toàn cầu.

Trong khi đó, ở lĩnh vực bán lẻ, ông Trần Lâm Hồng - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, đơn vị này đã từng bước phát triển nguồn hàng hóa chất lượng cao - hữu cơ, canh tác theo hướng thân thiện môi trường. Từ năm 2010 không còn sử dụng túi nilon khó phân hủy trên toàn hệ thống, từng bước sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường trong bao gói, giới thiệu sản phẩm như lá chuối, xơ dừa, rổ tre,…

Ngoài ra, Saigon Co.op cũng có chính sách ưu tiên lựa chọn các nhà cung cấp áp dụng/đạt các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có tiêu chuẩn về môi trường để đưa vào kinh doanh trong hệ thống. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cam kết tiếp tục là cầu nối trong việc thúc đẩy sản xuất xanh và tiêu dùng xanh thông qua các chính sách hỗ trợ nhà sản xuất/kinh doanh và hỗ trợ người tiêu dùng thông qua các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh.

Cần thêm trợ lực cho doanh nghiệp

Tuy nhiên quá trình chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, đặc biệt vai trò của nhà nước.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân đề xuất phát triển các yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, như các Quỹ đầu tư/tài trợ, mô hình hợp tác kết nối các bên, sự hỗ trợ quốc tế, công nghệ, nhân lực. Bên cạnh đó cần mô hình thí điểm, vai trò “dẫn dắt” của doanh nghiệp đầu ngành, cùng phối hợp với nhà nước, nhà khoa học, tổ chức quốc tế. Đặc biệt, cần có đề án cụ thể cho TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên áp dụng theo hướng mở, có lộ trình từng bước và thực chất, hiệu quả, khả thi, không cầu toàn.

Liên quan đến tín dụng cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) đã nêu danh mục lĩnh vực cho vay của HFIC được hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu của TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Thanh, đây là những sự tiếp sức cần thiết cho doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi xanh và HFIC đã, đang có nhiều hoạt động phối hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trên con đường này.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-co-nhieu-loi-the-canh-tranh-khi-san-xuat-cac-san-pham-xanh-258096.html