'Việt Nam có nhiều lợi thế để khai thác sức mạnh mềm văn hóa'

Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều lợi thế để khai thác sức mạnh mềm văn hóa nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và nâng cao vị thế trong mắt bạn bè quốc tế.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam phát biểu tại chương trình. (Ảnh: BTC)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam phát biểu tại chương trình. (Ảnh: BTC)

Với bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng, Việt Nam có nhiều lợi thế để khai thác sức mạnh mềm văn hóa nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và nâng cao vị thế trong mắt bạn bè quốc tế.

Đó là khẳng định của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST) tại sự kiện “Đối thoại về sức mạnh mềm văn hóa” ngày 8/4, tại Hà Nội.

Theo bà Phương, sức mạnh mềm văn hóa không chỉ là một khái niệm đơn thuần, mà còn là một yếu tố cốt lõi trong việc định hình hình ảnh quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội. Các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Pháp và ngay cả các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đã thành công trong việc sử dụng sức mạnh mềm để gia tăng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Việt Nam cũng đang có lợi thế để khai thác sức mạnh này.

Chương trình tập trung thảo luận về khái niệm “sức mạnh mềm” (soft power) do Giáo sư Joseph Nye (Mỹ) đưa ra, nhấn mạnh khả năng gây ảnh hưởng thông qua văn hóa, tư tưởng, truyền thông và công nghệ số, trái ngược với “sức mạnh cứng” dựa trên vũ lực và cưỡng chế.

 Quang cảnh buổi đối thoại.(Ảnh: BTC)

Quang cảnh buổi đối thoại.(Ảnh: BTC)

Phát biểu tại chương trình, Tiến sỹ Frédéric Martel, nhà văn, giảng viên đại học người Pháp bày tỏ sự ấn tượng với bề dày văn hóa của Việt Nam. Ông chỉ ra những biểu hiện sức mạnh mềm tiềm ẩn của Việt Nam thông qua ẩm thực nổi tiếng như phở bò, bún chả, sự phát triển của điện ảnh, âm nhạc và nghệ thuật thị giác với những gương mặt mới đầy triển vọng.

Tiến sỹ Martel cũng chia sẻ kinh nghiệm của Pháp trong bảo vệ và phát triển nền điện ảnh nước nhà thông qua các chính sách hỗ trợ, tái đầu tư từ nguồn thu của thị trường.

Tiến sỹ Martel nhấn mạnh trong thế giới toàn cầu hóa, các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có dư địa để phát huy sức mạnh mềm văn hóa của mình. Ông gợi ý Việt Nam nên tận dụng những đặc trưng văn hóa độc đáo, kết hợp giữa giá trị truyền thống và hơi thở đương đại, để tạo ra những sản phẩm văn hóa có sức hấp dẫn và lan tỏa trên trường quốc tế.

Các diễn giả tại chương trình đều thống nhất rằng Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển sức mạnh mềm văn hóa. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng, cơ chế liên kết chặt chẽ giữa truyền thông, ngoại giao văn hóa và công nghiệp văn hóa…

Ông Franck Bolgiani, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam cho biết cuộc đối thoại hôm nay nằm trong chuỗi các tọa đàm và hội thảo do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức, thể hiện mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác và sáng tạo, như các ngành hoạt hình, sách, truyện tranh, các buổi biểu diễn trực tiếp.../.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-co-nhieu-loi-the-de-khai-thac-suc-manh-mem-van-hoa-post1026520.vnp