Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển dịch vụ logistics

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông tại Hội thảo 'Logistics Việt Nam - Con đường phía trước' do báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 5-10.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại hội thảo

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế, cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. "Chúng ta ở vị trí cửa ngõ của giao thương quốc tế, đồng thời có vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với nền kinh tế đang phát triển, hệ thống hạ tầng cơ sở không ngừng được hoàn thiện, quy mô dân số 100 triệu người - với tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng, ngành logistics Việt Nam sẽ tiếp tục có bước đột phá trong thời gian tới", Thứ trưởng nhận định.

Tuy những năm gần đây, do tác động của đại dịch Covid-19 và biến động chính trị toàn cầu, kinh tế - xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng xu thế đã dần tích cực hợp. Quý III năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 5,33%, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Đây không phải là tốc độ tăng trưởng cao, nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhiều nền kinh tế tăng trưởng thấp, thì vẫn là một kết quả đáng ghi nhận.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu, đồng thời tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế xanh, kinh tế số… nhằm đạt mức cao nhất mục tiêu kế hoạch năm 2023. Kết quả thực hiện được của năm 2023 sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Khi nền kinh tế phục hồi, các hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu lấy lại được đà tăng trưởng, nhu cầu đối với các hoạt động logistics sẽ gia tăng mạnh mẽ. Hơn nữa, Việt Nam - với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao, môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng và là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - đang trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế.

Sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, với các dự án quy mô lớn, không chỉ góp phần quan trọng gia tăng năng lực cho nền kinh tế, mà còn thúc đẩy thương mại hàng hóa, qua đó góp phần phát triển ngành logistics Việt Nam.

Để ngành logistics phát triển, cơ sở hạ tầng là yếu tố vô cùng quan trọng. Nhiệm kỳ này, Quốc hội đã quyết nghị chi 2,87 triệu tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các công trình, dự án. Giai đoạn 2022-2023, có thêm hơn 143.000 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư cho các dự công trình, dự án quan trọng. Một phần không nhỏ trong nguồn lực này được dành cho hạ tầng giao thông, huyết mạch của nền kinh tế và cũng là huyết mạch của ngành logistics.

Hai năm qua, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường cao tốc quan trọng, kết nối vùng miền đã được xây dựng và hoàn thành. Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2025, hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và đến 2030, hoàn thành 5.000 km đường cao tốc. Ngoài ra, các tuyến đường ven biển, các đường kết nối khác, hạ tầng khác như sân bay Long Thành, các cảng biển, các sân bay… cũng đang được tập trung xây dựng, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, cũng như góp phần giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, để đạt mục tiêu cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư ông nêu nhiều giải pháp.

Thứ nhất, về cơ chế chính sách, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin.

Đồng thời, quy định về trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến ngành dịch vụ logistics; ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho phát triển dịch vụ logistics, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics, góp phần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.

Thứ hai, về phát triển kết cấu hạ tầng, Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất địa phương gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông - vận tải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất.

Thứ ba, về phát triển nguồn nhân lực, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề.

Trà Giang

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/viet-nam-co-nhieu-loi-the-phat-trien-dich-vu-logistics-post108664.html