Việt Nam có nhiều tiềm năng nội địa hóa một số thành phần chính cho điện gió ngoài khơi
Việt Nam có tiềm năng đáng kể trong việc nội địa hóa các thành phần chính của một dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm chế tạo chân đế, lắp ráp vỏ bọc và cung cấp trụ tua bin gió.
Đây là một trong những đánh giá từ Báo cáo “Chuỗi Cung ứng Điện gió ngoài khơi cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam”, vừa được Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội công bố và bàn giao cho Bộ Công Thương gần đây.
Báo cáo đánh giá tiềm năng phát triển cũng như đề xuất các bước tiếp theo để phát triển một chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi hoàn chỉnh và hiệu quả ở Việt Nam. Sau khi Chính phủ Việt Nam thông qua việc triển khai thí điểm hai dự án điện gió ngoài khơi, Báo cáo minh họa chuỗi cung ứng tiềm năng cho phương án phát triển 1 GW ở khu vực miền Bắc và 1 GW ở miền Nam Việt Nam (hoàn thành 1GW vận hành thương mại (COD) vào năm 2030 và bổ sung 1GW vận hành thương mại (COD) vào năm 2035).
Báo cáo đánh giá Việt Nam có tiềm năng đáng kể trong việc nội địa hóa các thành phần chính của một dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm chế tạo chân đế, lắp ráp vỏ bọc và cung cấp trụ tua bin gió. Tuy nhiên, một vài lĩnh vực như lắp cáp ngầm và tàu chở tua bin gió ngoài khơi (WTG) vẫn cần được tiếp tục củng cố và phát triển thêm.
Các cảng biển phù hợp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành điện gió ngoài khơi. Điều kiện của các cảng biển phía Nam, như cảng Vũng Tàu, tốt hơn do cơ sở hạ tầng dầu khí đã được thiết lập.
Các cảng biển phía Bắc như ở Hải Phòng có những lợi thế nhất định về hoạt động hậu cần và cung ứng đáng kể vật liệu thép, vì thế có khả năng trở thành các trung tâm chế tạo tàu biển.
Báo cáo cũng đánh giá mức độ sẵn sàng của các nhà cung ứng trong nước. 8 nhà cung cấp lớn, trong đó có Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) và Công ty TNHH CS Wind Việt Nam, đã bày tỏ mối quan tâm mạnh mẽ và có kế hoạch rõ ràng để tham gia thị trường điện gió ngoài khơi. Di sản của ngành dầu khí Việt Nam là một nền tảng vững chắc để chuyển đổi sang ngành công nghiệp mới mẻ này, đặc biệt là trong mảng sản xuất chân đế và trụ tua bin gió.
Việc nội địa hóa một số thành phần khác như cánh quạt và vỏ bọc hiện vẫn còn nhiều thách thức, tuy nhiên nếu được đầu tư thỏa đáng, thì mục tiêu sản xuất trong nước các thành phần này vào năm 2035 là hoàn toàn khả thi.
Khuyến nghị thành lập hai trung tâm năng lượng tái tạo liên vùng
Theo báo cáo, ngành điện gió ngoài khơi có thể tạo mới 9.000 công việc toàn thời gian (FTE) trong kịch bản phát triển 1 GW, và con số này sẽ lên tới 55.000 cho kịch bản 6 GW.
Báo cáo nhấn mạnh tiềm năng to lớn của ngành điện gió ngoài khơi trong việc tạo việc làm cho lao động địa phương đặc biệt ở khu vực phía Nam, tận dụng kinh nghiệm từ ngành dầu khí phát triển lâu đời và nhờ các điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi.
Để đáp ứng các mục tiêu phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam, Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị chiến lược bao gồm cải thiện khung chính sách và thể chế về điện gió ngoài khơi, các khoản đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng cảng, nâng cấp quy mô sản xuất nhà cung cấp, xây dựng một danh mục dự án rõ ràng, hợp tác với các trường đại học để phát triển kỹ năng và tăng cường hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, Báo cáo cũng khuyến nghị thành lập hai trung tâm năng lượng tái tạo liên vùng ở miền Bắc và miền Nam vào năm 2030, đóng vai trò là trung tâm sản xuất, nghiên cứu và khu công nghiệp xanh.
Thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam được đánh giá có nhiều hứa hẹn, với tốc độ gió cao hàng đầu thế giới và điều kiện đáy biển thuận lợi. Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng điện gió trên bờ và gần bờ hiện có, chuỗi cung ứng hiện đang phục vụ cho ngành dầu khí trong nước là những điều kiện thuận lợi và tiềm năng có thể hỗ trợ phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
Việc các thị trường quốc tế gần đây đặt mua một số bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi từ Việt Nam là tín hiệu tích cực về sự khởi đầu.