Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển dược liệu biển
Ngày 16/8, tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Y tế, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'Tiềm năng phát triển dược liệu biển Việt Nam'.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia y tế; nhà khoa học về nuôi, trồng dược liệu; đại diện 28 tỉnh, thành phố có biển…
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng, cơ hội, tiềm năng phát triển nguồn tài nguyên dược liệu biển Việt Nam phục vụ phát triển dược phẩm, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm. Các nhà quản lý đề xuất giải pháp cụ thể về thể chế, cơ chế chính sách, phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu biển gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng biển…
Theo Bộ Y tế, việc nghiên cứu phát triển thuốc, thực phẩm chức năng từ nguồn tài nguyên biển nhận được sự quan tâm nghiên cứu, phát triển của các nhà khoa học trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc, Australia, Hà Lan, Ấn Độ…. Nhiều thuốc điều trị bệnh đã được nghiên cứu phát triển, cấp phép từ nguồn tài nguyên biển như: Thuốc kháng sinh cephalosporin C, thuốc điều trị ung thư Cytarabine, Nelarabine…, thuốc kháng virus: vidarabine, thuốc điều trị tiểu đường; thuốc điều trị, ngăn ngừa bệnh tim mạch, đột quỵ như EPA và DHA từ cá…
Dược liệu từ biển có nhiều công dụng, được sử dụng trong y học cổ truyền Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước để phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân như: Hải mã (cá ngựa), ô tặc cốt (mai mực), mẫu lệ, hải sâm, bào ngư, sao biển…
Tiến sĩ Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản – Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Biển Việt Nam rất phong phú về thành phần giống loài, các đối tượng phân bố tự nhiên ở vùng biển nước ta hầu hết có khả năng đưa vào phát triển nuôi biển và là nguồn nguyên liệu phục vụ cho y học. Một số đối tượng chính quan trọng được quan tâm phát triển như: Nhóm nhuyễn thể; cá biển; giáp xác; rong tảo, vi tảo biển, hải sâm, sinh vật cảnh... Thủy sản là siêu thực phẩm của thiên nhiên, đóng vai trò quan trọng trong dinh dưỡng của con người. Thủy sản không chỉ là nguồn protein và chất béo lành mạnh mà còn là nguồn dinh dưỡng thiết yếu độc đáo, bao gồm axit béo omega-3 chuỗi dài, iốt, vitamin D và các khoáng chất như canxi, magie, sắt, natri và phốt pho…Việt Nam có điều kiện thiên nhiên thuận lợi để phát triển sản xuất các loại thuốc chữa bệnh, sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe từ nguồn dược liệu trong nước, trong đó có dược liệu biển.
Để phát triển kinh tế biển, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết làm cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành phố, bộ, ngành xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động cho từng lĩnh vực và địa phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, lĩnh vực phát triển dược liệu đã được Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành trong Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cương công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết xác định: Có chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là dược liệu quý hiếm; ưu tiên đầu tư và tập trung phát triển vùng chuyên canh, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Việt Nam, phát triển dược liệu trong nước đã được Chính phủ quan tâm đầu tư, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển kinh tế, xã hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, vùng trồng dược liệu quý được triển khai thí điểm tại 22 điểm của 21 tỉnh thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên
Cao Thị Hòa An thông tin, địa phương đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 26/3/2019 xác định nhiệm vụ quan trọng về quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển… Phú Yên hiện chưa có cơ sở nuôi trồng dược liệu biển quy mô hàng hóa, nhưng đã rất quan tâm triển khai một số mô hình nghiên cứu nuôi trồng dược liệu biển phù hợp như nuôi thương phẩm sá sùng, hải sâm… Hội thảo là cơ hội để các cấp chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, thiết lập quan hệ hợp tác để phát triển ngành dược liệu biển Việt Nam và tại Phú Yên.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/viet-nam-co-nhieu-tiem-nang-phat-trien-duoc-lieu-bien/343912.html