Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển vi mạch bán dẫn

Ngành vi mạch bán dẫn là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất để phát triển các sản phẩm kỹ thuật số như máy tính, điện thoại di động và nhiều ứng dụng khác.

Chiều 23-9, diễn ra Hội nghị xúc tiến ngành vi mạch bán dẫn do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) và Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM phối hợp tổ chức.

Tại đây, các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp TPHCM đã có những thông tin về xu hướng mới của ngành vi mạch bán dẫn, đóng góp xây dựng, phát triển ngành vi mạch bán dẫn cho Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đình Dư

Trên thế giới, ngành vi mạch bán dẫn đang bùng nổ, đặc biệt tại các quốc gia tiên tiến về công nghệ như Mỹ, Nhật Bản và Singapore, có vai trò then chốt trong sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghệ và kinh tế toàn cầu. Xác định được tiềm năng, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển ngành vi mạch bán dẫn, trong đó TPHCM ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.

 Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc ITPC phát biểu khai mạc. Ảnh: Đình Dư

Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc ITPC phát biểu khai mạc. Ảnh: Đình Dư

 Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM tại hội nghị. Ảnh: Đình Dư

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM tại hội nghị. Ảnh: Đình Dư

Đề cập đến vai trò của Khu công nghệ cao TPHCM trong phát triển ngành vi mạch bán dẫn, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý, cho biết đơn vị có nhiệm vụ thu hút các dự án đầu tư vào để hoàn thiện hệ sinh thái vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời chú trọng đào tạo đội ngũ 50.000 kỹ sư theo mục tiêu đến năm 2030 để đáp ứng cho sự phát triển ngành vi mạch bán dẫn.

 Ông Nguyễn Phúc Vinh, chuyên gia vi mạch bán dẫn chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Đình Dư

Ông Nguyễn Phúc Vinh, chuyên gia vi mạch bán dẫn chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Đình Dư

Còn theo ông Nguyễn Phúc Vinh, Ủy viên Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Synopsys Vietnam, cho biết có những nhóm ngành tiềm năng (8 ngành) tương lai liên quan đến vi mạch bán dẫn. Trong đó có các ngành phù hợp như: điện tử, viễn thông, máy tính, tin học, vật lý, tự động hóa.

Theo nhận định chung, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ có tác động tích cực đến ngành điện tử, công nghệ thông tin, AI cũng như nhiều ngành công nghiệp và kinh tế khác đối với kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trong tương lai.

Đình Dư

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/viet-nam-co-nhieu-tiem-nang-phat-trien-vi-mach-ban-dan-post117204.html