Việt Nam có quan hệ thương mại hàng nông lâm thủy sản với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ
Việt Nam có quan hệ thương mại hàng nông lâm thủy sản với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó các thị trường chiếm tỷ trọng lớn là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Ngày 15/9, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế AgroViet 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị “Giao thương giữa doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài”.
Tại hội nghị, 30 doanh nghiệp Việt Nam và 17 doanh nghiệp nước ngoài đã trực tiếp tiếp cận, giao thương với nhau nhằm tìm kiếm đối tác đáp ứng nhu cầu mua, bán của mỗi bên. Công ty Nông nghiệp Tianjin Herun (Trung Quốc) chào bán các loại rau củ quả gồm: bông cải xanh, súp lơ, dưa hấu, dưa, bí, bí ngô, cà chua và các loại rau lá xanh khác nhau. Công ty TNHH Nông nghiệp Anhui Huida (Trung Quốc) chào bán cà chua, hạt tiêu, dưa chuột, dưa và bí. Công ty River Fam S.A chào bán bào ngư, dầu oliu, mật ong Manuka, mật ong hoa bản địa Úc, nước hoa quả ép nguyên chất...
Công ty TNHH Quốc tế Xuzhou Pusen (Trung Quốc) chào bán xe đẩy tay, xe điện ba bánh, xe ba bánh điện gấp. Công ty TNHH Sản phẩm thô Jishui Jjingxin chào bán các sản phẩm sợi carbon và sợi thủy tinh, sản phẩm có khả năng chịu nhiệt độ cao, chống ăn mòn, không rỉ sét, được sử dụng rộng rãi trong dân sinh và các lĩnh vực công nghiệp...
Liên đoàn hợp tác xã Nông nghiệp Hàn Quốc chào mua xoài, thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, bưởi, quả vú sữa, tôm từ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Hàn Quốc. Đồng thời, chào bán lê Hàn, dâu tây Hàn Quốc, nho Hàn, táo Fuji Hàn Quốc, ớt chuông Hàn Quốc, nhân sâm, kimchi Nonghyup (100% nguyên liệu từ Hàn Quốc), rất nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến… được sản xuất bởi hơn 1.000 hợp tác xã nông nghiệp và nhiều công ty thực phẩm lớn của Hàn Quốc.
Công ty TNHH Nguyễn Hồng chào bán thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ Liên bang Nga: phô mai Nga, cánh gà tây, salami; sản phẩm quà tặng lưu niệm: búp bê gỗ, lật đật. Công ty Good Food RUSSIA (Nga) chào bán tất cả các sản phẩm từ Liên bang Nga và các dịch vụ về marketing...
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hoàng Văn Dự - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhận định, những năm gần đây quan hệ thương mại quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam có những bước tiến triển mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực cả về chiều rộng và chiều sâu.
Việt Nam xuất khẩu gạo, rau quả, thủy sản, gỗ và lâm sản, cà phê, cao su, hạt điều… và nhập khẩu chủ yếu là vật tư đầu vào sản xuất. Việt Nam có quan hệ thương mại hàng nông lâm thủy sản với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó các thị trường chiếm tỷ trọng lớn là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu (EU).
Bộ NN&PTNT đã triển khai hoạt động mở cửa thị trường nông sản ra thế giới, thông qua hoạt động đàm phán, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng nông sản vào các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu…
Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam được trực tiếp tiếp cận, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản vào thị trường quốc tế, tìm hiểu các đối tác và sản phẩm máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ nông nghiệp của các nhà cung ứng đến từ các quốc gia tham gia hội chợ. Đồng thời là dịp để các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa nước ngoài trực tiếp tiếp cận, tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng tin cậy từ Việt Nam. Hội nghị còn là diễn đàn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường sản xuất, kinh doanh hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam.