Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới về điều trị hiệu quả đột quỵ
Chia sẻ tại 'Hội nghị Khoa học toàn quốc chuyên ngành đột quỵ và các bệnh thần kinh liên quan lần thứ X' ngày 2/11, GS,TS,BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam khẳng định, có rất nhiều chứng chỉ kim cương, bạch kim trong cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ. Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới là một nơi điều trị đột quỵ tốt.
Theo GS,TS,BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cách đây hơn một thập kỷ, Việt Nam còn là một quốc gia không có tên trên bản đồ thế giới về khả năng điều trị đột quỵ. Nhưng những năm gần đây, vị trí của Việt Nam đã có sự thay đổi ngoạn mục trong điều trị đột quỵ.
“Có rất nhiều chứng chỉ kim cương, bạch kim trong cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ, Việt Nam chúng ta có tên trên bản đồ thế giới là một nơi điều trị đột quỵ tốt. Ban lãnh đạo Hội đột quỵ thế giới đã từng sang Việt Nam và đánh giá cao khả năng chuyên môn của các trung tâm điều trị đột quỵ tại nước ta.
Thậm chí, sau chuyến tham quan Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viên Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Hội đột quỵ thế giới cho rằng, Việt Nam có nhiều trung tâm điều trị đột quỵ phát triển rất tốt, không thua kém gì các nước trên thế giới”, ông Thông cho biết.
Việt Nam ngày càng đạt được tiến bộ trong điều trị đột quỵ.
Cũng theo Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, trong 2 năm qua, các trung tâm cấp cứu đột quỵ trong nước tiếp tục nhận được nhiều giải kim cương do thế giới công nhận về khả năng điều trị đột quỵ. Hội Đột quỵ Việt Nam đã xây dựng bản đồ về các cơ sở thu dung, cấp cứu và điều trị đột quỵ để người dân có thể đến dễ dàng hơn.
Hội đã đẩy mạnh thực hiện hoạt động cấp cứu ban đầu dựa trên sự phối kết hợp với trung tâm cấp cứu 115 để vận chuyển người bệnh đột quỵ. Đồng thời, thực hiện các thông tin tuyên truyền về bệnh lý này đến cộng đồng, trong đó có việc hoàn thiện phim tài liệu về đột quỵ, chuẩn bị đưa ra công chiếu rộng rãi trên cả nước.
Để có thể chẩn đoán và điều trị đột quỵ tốt hơn trong thời gian tới, ông Thông khuyến nghị cần đẩy mạnh việc tập huấn kiến thức chuyên môn cho nhân viên y tế. Tăng cường sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa khác nhau để nâng hiệu quả điều trị. Nhận thức cộng đồng về đột quỵ cũng cần được đặc biệt quan tâm.