Việt Nam có thể trở thành thiên đường của khách nghỉ hưu
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam có thể trở thành thiên đường của du khách đã nghỉ hưu, cũng chính là nhóm khách nhà giàu có khả năng ở lâu, chi nhiều tiền. Song hiện vẫn chưa có chính sách hấp dẫn để chiếm lấy 'miếng bánh' béo bở này.
Xu hướng FIRE lan rộng
Những năm gần đây, xu hướng FIRE (viết tắt của cụm từ Financial Independence Retire Early, nghĩa là độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) ưu tiên tiết kiệm ít nhất 50 - 70% thu nhập để có thể nghỉ hưu trước độ tuổi ngày càng lan rộng.
Theo khảo sát của Insider và Morning Consult, tại Mỹ, gần 5% thế hệ Millennials (hay gen Y) dự kiến nghỉ hưu ở tuổi 45; khoảng 6% dự kiến nghỉ hưu ở tuổi 55. Tại châu Á, FIRE đang trở thành trào lưu tại Hàn Quốc.
Khảo sát hồi tháng 3/2021 của Công ty NH Investment and Securities (Hàn Quốc) với 2.536 người từ 25 đến 39 tuổi cho thấy, 65,9% mong muốn nghỉ hưu sớm với khoản tiết kiệm mục tiêu là 1,37 tỷ won.
Còn tại Trung Quốc, Báo cáo Hưu trí quốc gia do Đại học Thanh Hoa phát hành năm 2020 cho biết, hơn 70% thế hệ 9X đã bắt đầu xem xét việc lập kế hoạch nghỉ hưu. Đối với thế hệ 8X, tỷ lệ này thậm chí lên đến 80%.
Ở Việt Nam, Báo cáo Thách thức không ngừng của Ngân hàng HSBC cho hay, 68% người khảo sát đã bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí, với độ tuổi tiết kiệm trung bình là 26 tuổi.
Phân khúc du khách nghỉ hưu sẽ tạo ra nhiều công việc và lợi nhuận nên Việt Nam cần sớm có chính sách để thu hút, không thể chậm hơn nữa.
Để hấp dẫn nhóm khách hưu trí nước ngoài, Việt Nam cần phát triển hạ tầng, chú ý đến vấn đề xây dựng không gian sống lành mạnh, các yếu tố về ẩm thực… Đặc biệt, nên xem xét mở rộng chính sách về visa nghỉ hưu để thu hút đối tượng này đến Việt Nam.
Xu hướng FIRE lan nhanh khiến nhóm du khách nghỉ hưu cũng tăng mạnh. Chớp cơ hội này, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã có những chính sách hấp dẫn để thu hút dòng khách du lịch hưu trí, bao gồm cả giới trí thức và doanh nhân muốn trải nghiệm môi trường sống an toàn, nền văn hóa phong phú, phong cảnh thiên nhiên đa dạng.
Theo PGS-TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), để thu hút các “ông trùm toàn cầu”, từ năm 2002, Chương trình “Malaysia ngôi nhà thứ hai của tôi” (Malaysia my second home - MM2H) được Chính phủ Malaysia giới thiệu để những người nước ngoài đến nghỉ hưu và sống ở Malaysia. Thị thực có thể gia hạn sau 10 năm.
Trong khi đó, Thái Lan thiết kế chính sách visa riêng cho du khách nước ngoài đã nghỉ hưu có tên “retirement visa”. Chỉ cần từ 50 tuổi trở lên và sở hữu tài khoản ngân hàng mở tại Thái Lan với số dư trên 800.000 bath (gần 550 triệu đồng), khách nước ngoài có thể xin visa Thái Lan trong 1 năm. Thậm chí, tháng 9/2022, Thái Lan còn kéo dài khoảng thời gian này lên 10 năm, với một số điều kiện đi kèm nhất định.
Đặc biệt, tại Philippines, cơ quan chuyên cấp giấy nhập cảnh cho người về hưu đã sáp nhập với Bộ Du lịch từ năm 2006 để thúc đẩy thu hút khách nghỉ hưu đến quốc đảo này du lịch và trở thành cư dân thường trú tại đây. Không như Thái Lan hay Malaysia yêu cầu những người về hưu phải có lương cao, lượng tiền rủng rỉnh trong tài khoản ngân hàng và ít nhất phải 50 tuổi, tại Philippines, để có được một bữa sáng no và ngon, chỉ mất 1 USD, còn thuê người giúp việc chỉ khoảng 150 USD/tháng. Chi phí sinh hoạt rẻ khiến nhiều người già từ các quốc gia châu Á chọn Philippines là điểm đến cho những năm tháng xế chiều.
Việt Nam vẫn… thờ ơ
Năm 2022, Việt Nam được Tạp chí du lịch lữ hành Travel + Leisure của Mỹ bình chọn là một trong 8 quốc gia lý tưởng để người nước ngoài đến nghỉ hưu. Việt Nam được miêu tả là một nơi rất hợp lý để nghỉ hưu, đặc biệt là đối với những người ưa thích mạo hiểm, yêu những bãi biển đẹp, phong cảnh, ẩm thực, lịch sử và văn hóa bản địa đặc sắc.
Theo Travel + Leisure, tổng chi phí sinh hoạt tại Việt Nam thấp hơn khoảng 49% và giá thuê thấp hơn khoảng 75% so với Mỹ, tùy từng địa phương. Tại TP.HCM, chi phí sinh hoạt thấp hơn 62% và nhà ở thấp hơn khoảng 83% so với New York. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao có giá cả rất phải chăng. Hầu hết người nước ngoài đều có bảo hiểm y tế quốc tế nên họ lựa chọn các bệnh viện tư nhân để tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bản thân.
Ngoài Việt Nam, danh sách trên chủ yếu là các quốc gia thuộc châu Mỹ La-tinh như Mexico, Ecuador, Costa Rica, Panama, Colombia. Ở châu Âu, hai quốc gia được chọn là Bồ Đào Nha, Montenegro. Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất. Ông Phạm Hồng Long đánh giá, điều này cho thấy cơ hội lớn đối với ngành kinh tế xanh nói riêng và lĩnh vực thương mại, dịch vụ của Việt Nam nói chung, vì nhóm du khách nghỉ hưu thường ở lâu, chi tiêu nhiều tiền.
“Dường như Việt Nam vẫn khá thờ ơ, chưa có chính sách nào để thu hút du khách hưu trí. Hiện nay, chúng ta miễn thị thực cho 24 thị trường du lịch với thời gian lưu trú 15-30 ngày và cấp thị thực điện tử thời hạn 30 ngày với du khách đến từ các quốc gia khác. Do đó, khách nước ngoài có mong muốn đến Việt Nam nghỉ hưu đa phần chỉ có thể chọn loại hình visa du lịch”, ông Phạm Hồng Long nói.
Chia sẻ về nhóm khách hưu trí nước ngoài đến Việt Nam, ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch, kiêm CEO Hoiana Resort & Golf cho biết, hiện có 2 nhóm du khách hưu trí chính đến Việt Nam, gồm những người muốn đi du lịch khoảng 1-2 tháng và những người muốn chuyển hẳn sang Việt Nam sinh sống. “Cả 2 nhóm này đều rất tiềm năng mà Việt Nam nên tập trung hướng tới vì họ không có nhu cầu kiếm tiền, không lấy mất công việc của người khác, trong khi lại tạo thêm nguồn thu nhập và công việc cho người Việt Nam. Đặc biệt, đây là nhóm khách an toàn, có nguồn thu nhập ổn định, mức chi tiêu ổn định nhằm kích cầu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ cho thuê, thị trường tiêu dùng, thậm chí khám chữa bệnh... Họ có thể thúc đẩy mức chi tiêu trung bình của người nước ngoài khi đến Việt Nam”, ông Steven Wolstenholme phân tích.