Việt Nam có thêm một Di sản Văn hóa Thế giới
Các giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú các giá trị chung của nhân loại
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, khẳng định giá trị độc đáo của Phật giáo Trúc Lâm.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi, được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, bắt nguồn từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đại diện cho một hệ thống triết lý và tinh thần khoan dung, vị tha của Phật giáo. Phật giáo Trúc Lâm cũng là minh chứng về sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa Việt Nam.
Các giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú các giá trị chung của nhân loại: Giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình; tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên, tôn trọng quy luật của tự nhiên.

Non thiêng Yên Tử. Ảnh: HỮU HƯNG
Thông qua các đền thờ, am thất, tuyến hành hương, bia đá, mộc bản và các di tích được bảo tồn nghiêm cẩn trên một không gian rộng lớn từ Yên Tử đến Vĩnh Nghiêm và Côn Sơn, Kiếp Bạc, quần thể này phản ánh đầy đủ các giai đoạn phát triển của Phật giáo Trúc Lâm, từ việc thành lập và thể chế hóa đến sự phục hưng và tiếp tục lan tỏa giá trị sáng tạo, nhân văn. Các điểm di tích này được hình thành từ nhiều thế kỷ trước, luôn thể hiện sự phát triển tiếp nối, đóng vai trò là trung tâm tôn giáo, văn hóa tâm linh; là điểm đến hành hương của hàng triệu du khách mỗi năm.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là bằng chứng về sự kết hợp độc đáo giữa nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong việc hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam. Cảnh quan linh thiêng ở đây được hình thành thông qua mối tương tác thường xuyên, mật thiết của con người với thiên nhiên...
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, nhấn mạnh việc Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới cho thấy sự đánh giá cao của quốc tế đối với giá trị quần thể di tích - danh thắng này và những tư tưởng nhân văn, hòa hiếu tốt đẹp của Phật giáo Trúc Lâm, cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ quần thể di tích - danh thắng.
Sự công nhận của UNESCO cũng góp phần nâng cao vị thế quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/viet-nam-co-them-mot-di-san-van-hoa-the-gioi-196250713205918693.htm