Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi thuộc nhóm 'tốt nhất châu Á'

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời khẳng định việc lựa chọn nhà đầu tư 'không có chỗ cho sự thất bại'.

“Thời điểm đưa ra báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam là hoàn hảo vì Việt Nam đã đặt mục tiêu rất tham vọng để trở thành nền kinh tế có mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Ulrich Eversbusch, Giám đốc Hợp tác Toàn cầu của Cục Năng lượng Đan Mạch, khẳng định trong buổi họp báo hôm 2/6.

Vào ngày 2/6, báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam (EOR21) đã được công bố, trong đó đưa ra góc nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050.

Ông Loui Algren, cố vấn năng lượng Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch, chia sẻ với Zing: “Việt Nam nên có các mô hình phân bổ dự án và quy trình lựa chọn nhà đầu tư mang tính cạnh tranh. Vì Việt Nam cần điện, và cần vào những thời điểm kịp thời. Do đó, không có chỗ cho sự thất bại”.

Cột mốc quan trọng

Trong buổi lễ công bố báo cáo diễn ra sau đó, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen cho biết “chúng tôi rất vui khi được chia sẻ với Việt Nam các giải pháp, bí quyết và thực tiễn tốt nhất” để hỗ trợ hiện thực hóa tiềm năng về chuyển đổi xanh và cam kết chống biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, nhận định về báo cáo trên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết nó mang đến nhiều thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện, năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn.

Theo ông, “báo cáo EOR21 cung cấp thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng bền vững gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường”.

Bản báo cáo khẳng định mục tiêu xây dựng một hệ thống năng lượng có mức phát thải ròng bằng 0, với chi phí tăng thêm chỉ 10% so với kịch bản cơ sở, là hoàn toàn khả thi đối với Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam cần thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân, để đạt mục tiêu này vào năm 2050.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu trong buổi lễ công bố báo cáo hôm 2/6. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu trong buổi lễ công bố báo cáo hôm 2/6. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.

Đánh giá báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2021, ông Loui Algren đã chỉ ra 3 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm lĩnh vực giao thông, ô nhiễm không khí và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe con người, cũng như cách đạt phát thải ròng bằng 0.

“Chúng tôi hy vọng báo cáo này sẽ gợi mở những ý tưởng cho chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, mà còn về lĩnh vực cấp vốn, quy hoạch và kế hoạch dài hạn”, vị chuyên gia cho biết.

Về vai trò của năng lượng tái tạo trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyên gia Eversbusch nhấn mạnh điện khí hóa ngành giao thông có tiềm năng lớn, không chỉ giúp hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm, mà còn giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

“Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển điện gió ngoài khơi và được đưa vào dự án quy hoạch điện 8 với công suất dự kiến khoảng 7-8 GW. Điện gió ngoài khơi của Việt Nam có tiềm năng lên tới 160 GW trong dài hạn”, ông cho biết thêm.

Chia sẻ quan điểm này, ông Erik Kjær, cố vấn cao cấp, Cục Năng lượng Đan Mạch, cho biết Việt Nam hiện có tiềm năng điện gió ngoài khơi thuộc hàng tốt nhất châu Á.

“Tuy nhiên, điện gió ngoài khơi thường là các dự án quy mô lớn, phức tạp và cũng rất rủi ro. Theo kinh nghiệm của Đan Mạch, phải mất tới 7 năm hoặc hơn để chúng ta có thể đưa vào chạy thử, vận hành một dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn”, ông nhận định.

Rủi ro mâu thuẫn lợi ích

Lĩnh vực điện gió và điện mặt trời có liên quan mật thiết đến nông nghiệp. Do đó, nhiều người lo ngại việc phát triển dạng năng lượng này có thể mâu thuẫn với lợi ích của người nông dân, cũng như sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, khi sử dụng quỹ đất nông nghiệp hoặc xây dựng trên những khu vực nuôi trồng thủy sản.

Đề cập đến vấn đề này, ông Algren cho biết: “Theo kết quả báo cáo, điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời quy mô lớn, có hiệu quả chi phí rất tốt, kể cả khi đã tính đến chi phí đất đai”.

“Ở Đan Mạch, chúng tôi đưa ra những yêu cầu kĩ thuật về môi trường rất cao đối với các dự án điện gió và điện mặt trời. Chúng tôi cũng khuyến khích Việt Nam áp dụng những tiêu chuẩn này”, ông nói thêm.

 Các chuyên gia Đan Mạch trong buổi tọa đàm về triển vọng năng lượng Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.

Các chuyên gia Đan Mạch trong buổi tọa đàm về triển vọng năng lượng Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới có những diễn biến khó đoán, ông Algren cũng nhấn mạnh ưu điểm của các dự án năng lượng tái tạo là “tăng cường khả năng tự cung tự cấp của Việt Nam, thông qua việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu”.

Trả lời câu hỏi của Zing về lý do khiến lĩnh vực điện gió ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn “sơ khai”, dù được biết đến là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn nhất châu Á, ông Kjær nhấn mạnh đến nhu cầu quy hoạch không gian biển.

“Chúng ta cần xác định khi nào và tại những vị trí nào, sự tồn tại của những cơ sở điện gió ngoài khơi sẽ xung đột với các mục đích sử dụng không gian biển khác”, vị cố vấn cho biết. Ông cũng cho rằng Việt Nam cần xem xét kỹ việc nâng cấp lưới điện để tạo điều kiện cho các dự án điện gió.

Đồng tình với quan điểm này, ông Algren cũng chia sẻ: “Đáy biển được sử dụng cho nhiều mục đích như khai thác khoáng sản, quân sự, đánh bắt hải sản… Do đó, cần đảm bảo các tác động tiềm ẩn nằm trong tầm kiểm soát”.

Ngoài ra, việc phân bổ dự án và tìm kiếm nhà đầu tư cũng là một yếu tố kéo dài quá trình hoạch định dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. "Điều quan trọng là Việt Nam cần gây dựng được lòng tin từ các nhà đầu tư", ông nói.

Hải Linh - Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viet-nam-co-tiem-nang-dien-gio-ngoai-khoi-thuoc-nhom-tot-nhat-chau-a-post1322937.html