Việt Nam coi trọng hợp tác trong Cộng đồng Pháp ngữ

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, bà Louise Mushikiwabo, Tổng thư ký Cộng đồng Pháp ngữ (OIF) thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-26/3.

Tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo phát biểu tại Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ. (Nguồn: TTXVN)

Tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo phát biểu tại Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ. (Nguồn: TTXVN)

“Sứ mệnh” phát triển và phục hồi

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của bà Louise Mushikiwabo tới một nước thành viên sau hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành và các nước Pháp ngữ cũng như cộng đồng quốc tế đang mong muốn thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.

Chuyến đi cũng được đặt trong bối cảnh OIF đang chủ trương giữ vai trò tích cực và đóng góp hiệu quả hơn vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về hòa bình, hợp tác và phát triển, tăng cường sự kết nối với một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới là châu Á - Thái Bình Dương.

Sự hiện diện của bà Tổng thư ký tại Việt Nam lần này còn là sự tiếp nối các trao đổi cấp cao sâu rộng giữa Việt Nam và Pháp ngữ, đặc biệt là tiếp theo chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới trụ sở OIF tại Paris vào tháng 11/2021.

Chuyến thăm được OIF hết sức quan tâm vì đây đồng thời là chuyến đi của Đoàn xúc tiến kinh tế - thương mại đầu tiên của Pháp ngữ nhằm triển khai Chiến lược kinh tế Pháp ngữ 2020-2025. Việc Pháp ngữ chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên thể hiện đặc biệt coi trọng vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ.

Nhân dịp này, khoảng 102 doanh nhân và chủ thể kinh tế quốc tế đến từ 24 thành viên của OIF và hơn 420 doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, thảo luận về các dự án kinh doanh, đầu tư, tập trung trong ba lĩnh vực: nông nghiệp ‐ chế biến thực phẩm, năng lượng bền vững, hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số.

Thông qua chuyến thăm, OIF muốn hỗ trợ các quốc gia và chính phủ thành viên, nhất là nước đoàn đến, có cơ hội thúc đẩy hợp tác phục hồi bền vững nền kinh tế, vốn đã chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Về phía Việt Nam, với các định hướng hợp tác, Việt Nam có thể tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng, hoạt động kinh tế quan trọng mà ta có thế mạnh, đặc biệt là gạo, điều, cà phê, bông, dịch vụ số; kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương của ta với các đối tác Pháp ngữ, giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp các nước thành viên Pháp ngữ; góp phần cụ thể hóa chủ trương ngoại giao phục vụ phát triển và Đề án Phát triển quan hệ giữa Liên minh châu Phi và Việt Nam giai đoạn 2020-2025.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đại diện quốc gia Việt Nam bên cạnh Pháp ngữ Đinh Toàn Thắng: Sự ủng hộ và tham gia của Việt Nam vào Cộng đồng Pháp ngữ có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào việc thúc đẩy các giá trị mà Việt Nam và Pháp ngữ đều đề cao, là hòa bình, phát triển, đa dạng văn hóa.

Vai trò tiên phong và nòng cốt

Là thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ từ năm 1979, Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ; là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng, đóng vai trò nòng cốt của phong trào Pháp ngữ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo thăm chính thức Việt Nam ngày 24/3. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo thăm chính thức Việt Nam ngày 24/3. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian qua, Việt Nam có nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác và tăng cường đối thoại giữa các nước thành viên trong Cộng đồng. Việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự các Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong hợp tác đối với Cộng đồng Pháp ngữ. Dấu ấn đậm nét nhất phải kể đến có lẽ là sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ bảy được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/1997.

Hiện nay, Việt Nam được coi là thành viên thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.

Hiện Việt Nam đang triển khai tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Trung Phi, một thành viên của Pháp ngữ và OIF đang thúc đẩy sự hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về phát triển và tái thiết giữa Việt Nam và một số nước Pháp ngữ gặp bất ổn như Trung Phi, Mali hay Haiti.

Việt Nam đã tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau với các nước Pháp ngữ đối với các hồ sơ ứng cử tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế cũng như các vấn đề thuộc lợi ích an ninh và phát triển của Việt Nam, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-coi-trong-hop-tac-trong-cong-dong-phap-ngu-178026.html