Việt Nam coi trọng vai trò của Uzbekistan tại khu vực Trung Á
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan, tối 6/4 giờ địa phương, tại thủ đô Tashkent, Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Chủ tịch Ủy ban về quan hệ liên dân tộc và kiều bào ở nước ngoài Sariev Kakhramon Ramatullaevich và Chủ tịch Hội hữu nghị Uzbekistan-Việt Nam Mukhamedov Alisher Rustamovich.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Ủy ban về quan hệ liên dân tộc và kiều bào ở nước ngoài Sariev Kakhramon Ramatullaevich. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Ủy ban về quan hệ liên dân tộc và kiều bào ở nước ngoài và Chủ tịch Hội hữu nghị Uzbekistan-Việt Nam bày tỏ vinh dự được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dành thời gian tiếp; tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội sẽ mở ra trang mới trong quan hệ giữa hai nước.
Nhấn mạnh quan hệ hai nước ngày càng phát triển thời gian qua trong đó có ngoại giao nhân dân, hai Chủ tịch Ủy ban và Hội hữu nghị cho biết, thời gian qua, Ủy ban và Hội hữu nghị Uzbekistan-Việt Nam đã có nhiều sáng kiến nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc. Trong đó, Ủy ban và Hội hữu nghị đã triển khai dịch tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Uzbekistan (năm 2022), sáng tác bài hát “Tashkent-Hà Nội, Hà Nội-Tashkent” về tình hữu nghị giữa hai dân tộc (năm 2022) được trao giải Ba Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX năm 2023 của Việt Nam.
Chia sẻ về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban về quan hệ liên dân tộc và kiều bào ở nước ngoài, ông Sariev Kakhramon Ramatullaevich bày tỏ tin tưởng với vị thế của mình, Ủy ban sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa Uzbekistan với các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Thành viên đoàn Chủ tịch Ủy ban Quan hệ liên dân tộc Cộng hòa Uzbekistan trao sách về Bác Hồ tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Ủy ban về quan hệ liên dân tộc và kiều bào ở nước ngoài của Uzbekistan bày tỏ ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, du lịch, công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải… đồng thời tăng cường hợp tác trên các diễn đàn khu vực, quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban và Chủ tịch Hội hữu nghị cũng bày tỏ mong muốn hai bên tổ chức nhiều chương trình đào tạo cho sinh viên hai nước, tăng cường giao lưu sinh viên, thế hệ trẻ để tiếp nối truyền thống hữu nghị giữa hai dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng gặp, trao đổi với Chủ tịch Ủy ban về quan hệ liên dân tộc và kiều bào ở nước ngoài của Uzbekistan, Chủ tịch Hội Hữu nghị và các thành viên Hội Hữu nghị Uzbekistan-Việt Nam là đại diện cho những người bạn thân thiết, yêu mến và gắn bó với Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm đến Uzbekistan vào năm 1959; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng thăm Uzbekistan năm 2011. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội lần này thể hiện mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Uzbekistan vì sự phát triển, thịnh vượng của hai nước, hai dân tộc. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn những tình cảm thân thiết và sự giúp đỡ quý báu mà nhiều thế hệ nhân dân và bạn bè Uzbekistan, trong đó có Ủy ban về quan hệ liên dân tộc và các thành viên của Hội hữu nghị luôn dành cho Việt Nam thời gian qua.

Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: TTXVN
Chia sẻ về những thành tựu của Việt Nam sau gần 40 năm Đổi mới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chính trị xã hội ổn định, kinh tế phục hồi mạnh mẽ đạt kết quả tích cực và khá toàn diện. Năm 2024, tăng trưởng GDP đạt hơn 7%, quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD. Việt Nam đã ký 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) kết nối với hơn 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới; tinh thần khởi nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được khơi dậy mạnh mẽ.
Về quan hệ song phương giữa Việt Nam và Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam coi trọng vai trò của Uzbekistan tại khu vực Trung Á và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Uzbekistan. Đoàn công tác lần này có nhiều thành viên của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với Uzbekistan.
Đánh giá cao các hoạt động phối hợp giữa Ủy ban và hai Hội hữu nghị hai nước trong nhiều năm qua đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Trao đổi đoàn thường xuyên; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn; làm cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây đều là những hoạt động rất có ý nghĩa góp phần thắt chặt và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Để thúc đẩy hơn nữa vai trò và sự tham gia của Ủy ban và Hội Hữu nghị Uzbekistan-Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban và Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đầu mối phía Việt Nam như Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam-Uzbekistan và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga (kiêm nhiệm Uzbekistan).
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng bằng những tình cảm gắn bó sâu đậm với Việt Nam và lòng nhiệt huyết, Ủy ban và các thành viên Hội Hữu nghị Uzbekistan - Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ, đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi gặp gỡ giáo viên và sinh viên học Tiếng Việt. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Đại học Phương Đông Tashkent
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan, sáng 7/4 theo giờ địa phương, tại thủ đô Tashkent, Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã đến thăm Đại học Phương Đông Tashkent, gặp gỡ giáo viên và sinh viên học tiếng Việt tại đây.
Đại học Phương Đông Tashkent, được thành lập vào tháng 11/1918, là một trong những trường đại học danh tiếng và lâu đời nhất ở Uzbekistan về nghiên cứu phương Đông. Trường chuyên đào tạo các lĩnh vực khoa học xã hội, ngôn ngữ học, quan hệ quốc tế và nghiên cứu khu vực; có nhiều chương trình hợp tác quốc tế với các trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, trường có khoa giảng dạy tiếng Việt.
Trò chuyện với các thầy cô giáo và các bạn sinh viên đang theo học tiếng Việt tại Trường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ xúc động khi ở một nơi cách Việt Nam hàng nghìn cây số được nghe tiếng Việt thân thương cất lên từ những bạn trẻ Uzbekistan.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô giáo và tất cả những người đã góp công sức, trí tuệ trong việc giảng dạy tiếng Việt tại đây. Nhờ sự tận tâm, truyền cảm hứng của các thầy cô, ngày càng có nhiều sinh viên biết đến Việt Nam, tìm hiểu và yêu mến Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng gửi lời cảm ơn đến các bạn sinh viên, những gương mặt trẻ đầy nhiệt huyết, những đại sứ văn hóa tương lai đã dành tình yêu và chọn tiếng Việt để học tập, chọn Việt Nam để trải nghiệm và kết nối.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Đại học Phương Đông Tashkent. Ảnh: TTXVN
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nghiên cứu phương Đông không đơn thuần là việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa hay ngôn ngữ của các quốc gia châu Á, mà còn là chìa khóa để giải mã những giá trị cốt lõi đã định hình nên các xã hội phương Đông qua hàng nghìn năm. Đây là nơi mà những giá trị nhân văn được bảo tồn, những ý tưởng lớn được ươm mầm, những giải pháp sáng tạo được tạo ra để thúc đẩy sự tiến bộ và gắn kết toàn cầu trước một thế giới đầy biến động. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc nghiên cứu phương Đông giúp hiểu rõ hơn về sự giao thoa văn hóa, từ đó thúc đẩy hợp tác quốc tế và xây dựng một thế giới hòa bình, thấu hiểu lẫn nhau. Nghiên cứu phương Đông không chỉ là một lĩnh vực học thuật mà còn là một lăng kính quan trọng để nhìn nhận và giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Nhấn mạnh Việt Nam và Uzbekistan tuy cách xa nhau về địa lý, nhưng hai dân tộc có nhiều điểm tương đồng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cả hai đất nước đều có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, trải qua nhiều thăng trầm để bảo vệ nền độc lập, gìn giữ bản sắc văn hóa và đóng góp vào kho tàng tri thức chung của nhân loại. Chính những điểm chung này là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Khẳng định ngôn ngữ là cầu nối quan trọng để gắn kết con người với con người, dân tộc với dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ việc học tiếng Việt không chỉ giúp các bạn sinh viên hiểu về một ngôn ngữ, mà còn giúp khám phá một nền văn hóa giàu bản sắc của một dân tộc với hơn 100 triệu dân, có truyền thống kiên cường và sáng tạo, thân thiện và bao dung. Hơn tất cả, các bạn sinh viên đang góp một phần không nhỏ thắt chặt hơn tình hữu nghị giữa Việt Nam và Uzbekistan. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hy vọng sau khi hoàn thành chương trình học, nhiều bạn sinh viên sẽ trở thành những nhà ngoại giao, doanh nhân, giáo viên, phiên dịch viên, hoặc chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, trở thành cầu nối hợp tác giữa Việt Nam và đất nước Uzbekistan, đóng góp vào sự phát triển chung của cả hai nước. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Việt Nam chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón các bạn”.
Cho rằng Tiếng Việt có những nét độc đáo, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng, phải dành rất nhiều thời gian để làm quen với cách phát âm, ngữ điệu và hệ thống thanh điệu đặc trưng của tiếng Việt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng với sự chăm chỉ và lòng đam mê, các bạn sinh viên sẽ từng bước chinh phục được ngôn ngữ Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội mong muốn ngoài việc học ngôn ngữ, các bạn sinh viên sẽ dành thời gian tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam để biết được sâu sắc về Việt Nam 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước; nhiều danh thắng quý giá, nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nét ẩm thực phong phú, đa dạng, hấp dẫn, được nhiều du khách quốc tế đã từng thưởng thức và yêu thích.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hy vọng trong tương lai, nhiều bạn sinh viên sẽ có cơ hội đến Việt Nam để học tập, làm việc, trải nghiệm trực tiếp cuộc sống và văn hóa cũng như sự phát triển năng động của đất nước Việt Nam. Bày tỏ vui mừng khi biết Đại học Phương Đông Tashkent đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2011 và đã triển khai các chương trình nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng hợp tác hai nước sẽ ngày càng bền chặt hơn, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước sẽ càng sâu sắc hơn, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, bền vững và thịnh vượng.
Trước đó, gặp gỡ Ban Giám hiệu nhà trường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn trường phối hợp chặt chẽ với các trường đại học lớn của Việt Nam nhằm thúc đẩy sinh viên, giảng viên hai nước phát triển các dự án chung; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI)… trong giảng dạy, học tập; đề nghị Đại học Phương Đông Tashkent cử lãnh đạo, chuyên gia và học giả tham dự Hội thảo Việt Nam học lần thứ 7, dự kiến được tổ chức tại Việt Nam trong năm nay.
Viết lưu bút tại đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chân thành cảm ơn các thầy cô giáo và tất cả những người đã góp công sức, trí tuệ trong việc giảng dạy tiếng Việt; cảm ơn các bạn sinh viên đã dành tình yêu đất nước Việt Nam và chọn tiếng Việt để học tập, nghiên cứu. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn viết: “Chúc Đại học Phương Đông Tashkent tiếp tục phát triển mạnh mẽ; góp phần tích cực vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Uzbekistan ngày càng bền chặt, sâu sắc, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, bền vững và thịnh vượng”.
*Sáng 7/4 theo giờ địa phương, tại thủ đô Tashkent, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến đặt hoa tại Tượng đài Độc lập./.
Theo TTXVN