Việt Nam, Colombia và P4G: 'Vun trồng' các sáng kiến mới

Là thành viên của P4G, Việt Nam và Colombia có nền tảng vững chắc để tăng cường hợp tác, cộng tác, thúc đẩy đổi mới với sứ mệnh lấy con người làm trung tâm trong một số lĩnh vực.

Đại sứ Colombia tại Việt Nam Camila María Polo Floréz hoan nghênh Việt Nam đăng cai và phát huy những thành tựu của Hội nghị thượng đỉnh P4G tại Colombia năm 2023. (Ảnh: NVCC)

Đại sứ Colombia tại Việt Nam Camila María Polo Floréz hoan nghênh Việt Nam đăng cai và phát huy những thành tựu của Hội nghị thượng đỉnh P4G tại Colombia năm 2023. (Ảnh: NVCC)

Đại sứ Colombia tại Việt Nam Camila María Polo Floréz chia sẻ với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam như trên về hành trình chuyển đổi xanh, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững của Việt Nam và Colombia.

Chuyển đổi xanh đã và đang là vấn đề cấp bách đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Với Colombia, đất nước có bước đi nổi bật thế nào trên hành trình chuyển đổi xanh, thưa Đại sứ?

Tăng trưởng kinh tế của Colombia chủ yếu được thúc đẩy bởi khai thác nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, với “ba cuộc khủng hoảng hành tinh” gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm, mô hình này trở nên không bền vững và đe dọa đa dạng sinh học của Colombia - một trong những tài sản có giá trị nhất của đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Gustavo Petro, kế hoạch phát triển của đất nước được triển khai với sứ mệnh “không để ai bỏ lại phía sau và bảo vệ thiên nhiên”, hệ thống sản xuất của Colombia cần một sự chuyển đổi, hướng tới quá trình khử cacbon. Để hiện thực hóa sứ mệnh này, đất nước chú trọng hai yếu tố then chốt:

Thứ nhất, tận dụng vị trí địa lý đặc quyền, nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn và các dịch vụ hệ sinh thái liên quan.

Thứ hai, thúc đẩy mối quan hệ giữa khu vực công-tư và sự chung tay của toàn cộng đồng.

Hai yếu tố trên được lồng ghép trong Chiến lược chuyển đổi năng lượng công bằng, xem xét phương pháp tiếp cận đa ngành, ưu tiên công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, đa dạng hóa kinh tế và tái công nghiệp hóa chuyên sâu tập trung vào phát triển tri thức và công nghệ. Trong đó, một số điểm nổi bật chính trong hành trình chuyển đổi năng lượng xanh của Colombia bao gồm:

Một là đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tháng 10/2024, đất nước đã triển khai một kế hoạch đầu tư trị giá 40 tỷ USD để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Kế hoạch này bao gồm việc mở rộng các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy khả năng di chuyển bằng xe điện và bảo tồn đa dạng sinh học.

Hai là phát triển hydro và điện gió ngoài khơi. Colombia đã có những tiến bộ đáng kể trong sản xuất hydro xanh, tận dụng các nguồn tài nguyên gió và Mặt trời dồi dào. Tháng 2/2025, đất nước đã công bố phiên đấu giá năng lượng gió ngoài khơi đầu tiên, thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư quốc tế.

Ba là cam kết phát thải ròng bằng 0. Colombia đặt mục tiêu giảm 51% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.

Bốn là cải cách chính sách. Tháng 2/2025, chính phủ đã đệ trình lên quốc hội dự luật cấm khai thác khí đá phiến và dừng cấp giấy phép thăm dò dầu khí mới, điều chỉnh chính sách quốc gia phù hợp với các cam kết quốc tế về khí hậu.

"Tôi nhận thấy cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đặt mục tiêu đầy tăng trưởng kinh tế cao hơn, thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG)".

Đại sứ Colombia Camila María Polo Floréz

Việt Nam đã thực hiện nhiều bước đi cụ thể trong quá trình chuyển đổi xanh. Đại sứ đánh giá thế nào về quá trình này và những bài học nào Việt Nam có thể rút ra từ kinh nghiệm của Colombia?

Colombia và Việt Nam là những quốc gia có mức độ đa dạng sinh hoạt cao trên thế giới. Tuy nhiên, cả hai nước đều đang đối mặt với áp lực về môi trường và các lỗ hổng về khí hậu.

Sau thời kỳ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, Việt Nam và Colombia đang đi trên những con đường tương tự nhau, đều đặt ra các quyết tâm chuyển đổi nhanh chóng sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Đồng thời, hai nước hiểu rõ tầm quan trọng của quan hệ đối tác quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năng lượng tái tạo.

Tôi nhận thấy, cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn, thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu và đạt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Dự án điện gió La Guajira, Bờ biển Caribe, Colombia. (Nguồn: Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam)

Dự án điện gió La Guajira, Bờ biển Caribe, Colombia. (Nguồn: Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam)

Việc Việt Nam tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), tăng tốc đầu tư vào năng lượng Mặt trời, năng lượng gió, áp dụng các chính sách thúc đẩy hiệu quả năng lượng, phát triển nền kinh tế tuần hoàn và quy hoạch đô thị bền vững là những hành động đáng khen ngợi.

Hơn nữa, đất nước hình chữ S có quyết tâm mạnh mẽ và tiến triển rõ ràng trong thiết lập khuôn khổ đầy đủ hành trình chuyển đổi xanh. Cụ thể như: Chuẩn bị nguồn nhân lực, hệ thống sản xuất để thích ứng; kết hợp, phát triển các công nghệ mới; tiến lên trong quá trình chuyển đổi số; hướng tới sự tự lực trong sản xuất chất bán dẫn và công nghệ dữ liệu cốt lõi.

Việc phát triển các dự án năng lượng Mặt trời, năng lượng gió quy mô lớn và trong lĩnh vực hydro xanh - trong đất liền và ngoài khơi bờ biển Caribe - của Colombia có thể mang đến cho Việt Nam một số kinh nghiệm, đặc biệt ở khía cạnh ưu đãi thuế, đấu giá năng lượng tái tạo và hỗ trợ pháp lý cho các dự án đầu tư về năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, Colombia có những bài học liên quan sự tham gia của cộng đồng địa phương vào sản xuất điện và cung cấp hỗ trợ kinh tế-xã hội cho những người bị ảnh hưởng bởi việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, đất nước Nam Mỹ có kinh nghiệm trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư, chính sách thân thiện với đầu tư, hợp tác quốc tế và huy động vốn thông qua Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Diễn đàn cấp cao Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) và các thỏa thuận song phương.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư P4G năm 2025 do Việt Nam lần đầu đăng cai sẽ diễn ra từ ngày 16-17/4, tại Thủ đô Hà Nội. Các hoạt động bên lề sự kiện bắt đầu từ ngày 14/4.

Hội nghị dự kiến do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, với quy mô đón khoảng 800-1.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Bên cạnh lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương, doanh nghiệp lớn của Việt Nam, Hội nghị chào đón lãnh đạo cấp cao các nước thành viên P4G, các tổ chức quốc tế là đối tác của P4G.

Đại diện lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp, quỹ tài chính, đầu tư lớn của Chính phủ và tư nhân trong lĩnh vực tăng trưởng, chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu cũng tham dự Hội nghị.

Colombia là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Mỹ Latinh và cũng là thành viên của P4G. Theo Đại sứ, hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực nào để hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững?

Là thành viên của P4G, hai nước có nền tảng vững chắc để tăng cường hợp tác, cộng tác, thúc đẩy đổi mới với sứ mệnh lấy con người làm trung tâm trong một số lĩnh vực và hành động chiến lược, chẳng hạn như:

Năng lượng tái tạo: Hai nước có thể trao đổi về các hoạt động phát triển năng lượng Mặt trời, gió và hydro.

Thương mại và đầu tư bền vững: Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng xanh, bảo đảm các chính sách thương mại bền vững, trong đó ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ carbon thấp.

Bền vững trong nông nghiệp và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu: Thông qua hợp tác về các kỹ thuật canh tác bền vững, phòng chống phá rừng và nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu, Việt Nam và Colombia có thể tăng cường an ninh lương thực, giảm lượng khí thải carbon.

Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái: Là những quốc gia có đa dạng sinh học nhất trên thế giới, hai nước có thể hợp tác về bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch dựa trên thiên nhiên và các sáng kiến bảo vệ môi trường.

Quản lý tài nguyên nước: Hợp tác trong bảo tồn nước, hệ thống tưới tiêu thông minh và các chiến lược thích ứng với khí hậu sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và Colombia.

Chuyển giao công nghệ và đổi mới: Việc thiết lập các chương trình nghiên cứu và phát triển chung cho các sáng kiến công nghệ sạch, quản lý chất thải và kinh tế tuần hoàn có thể giúp cả hai quốc gia chuyển đổi sang các mô hình kinh tế bền vững.

Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư P4G năm 2025 tại Hà Nội trong bối cảnh hiện nay?

Tình hình biến đổi khí hậu trên toàn thế giới đã và đang đe dọa đến việc đạt được các SDG và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, P4G là nơi “vun trồng” các sáng kiến mới để phục hồi. Chúng tôi hoan nghênh việc Việt Nam đăng cai và phát huy những thành tựu của Hội nghị thượng đỉnh P4G tại Colombia năm 2023.

Hội nghị thượng đỉnh năm nay duy trì đà phát triển và chứng minh tầm quan trọng trong việc chia sẻ kiến thức và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo để đạt được phát triển bền vững. Khi Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh P4G, chúng tôi mong muốn tìm hiểu thêm về quá trình chuyển đổi xanh và các kinh nghiệm tốt nhất của đất nước để thúc đẩy đổi mới, thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển các mô hình đào tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Colombia chúc quốc gia chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh P4G năm nay thành công rực rỡ. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Việt Nam với vai trò này.

Xin cảm ơn Đại sứ!

P4G hiện có 9 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác (Viện Tài nguyên thế giới - WRI, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu - GGGI, mạng lưới C40 - C40 cities, Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF và Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC).

P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Châu Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-colombia-va-p4g-vun-trong-cac-sang-kien-moi-310278.html