Việt Nam đã chi 6,8 tỷ USD nhập xăng dầu

9 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá 6,8 tỷ USD, tăng 22,7% về lượng và tăng 131,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam đã tiêu 6,8 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu trong 9 tháng 2022.

Việt Nam đã tiêu 6,8 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu trong 9 tháng 2022.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2022, cả nước nhập khẩu 627.652 tấn xăng dầu các loại, trị giá hơn 616 triệu USD, tăng 34,8% về lượng và tăng 27,8% về trị giá so với tháng 8.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá 6,8 tỷ USD, tăng 22,7% về lượng và tăng 131,8% về trị giá so với cùng kỳ.

Về thị trường nhập khẩu, Hàn Quốc dẫn đầu với hơn 2,5 triệu tấn, trị giá 2,745 tỷ USD, tăng tới 91,62% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Hàn Quốc chiếm 39,16% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng đầu năm.

Các thị trường lớn khác như: Malaysia nhập khẩu 956.148 tấn, trị giá 885,67 triệu USD, giảm mạnh so với con số gần 1,7 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái; nhập từ Singapore 960.508 tấn, trị giá 978,7 triệu USD, Thái Lan 877.870 tấn, trị giá 960 triệu USD, tăng gần 100.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, những tháng đầu năm Trung Quốc là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn hàng đầu của Việt Nam với 627.123 tấn, trị giá 676 triệu USD, gấp 2,3 lần về lượng so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng 130%); trong khi trị giá tăng gấp tới 4,42 lần.

Trong quý 3/2022, đã xảy ra tình trạng các thương nhân đầu mối giảm mạnh lượng xăng dầu nhập khẩu. Số liệu thống kê cho thấy, quý III/2022 (đến 20/9/2022), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu DO, so với Quý II/2022.

Bộ Tài chính lý giải, trong bối khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng biến động giảm liên tục với biên độ rộng, khó dự báo (giá xăng dầu trong nước giảm trong 9 kỳ điều hành liên tiếp từ kỳ điều hành ngày 1/7/2022), có thể dẫn đến tâm lý e ngại nhập khẩu xăng dầu.

Đáng nói, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu. Có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng không thực hiện nhập khẩu vào Quý III/2022 như: Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

"Nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiết khấu giảm có thể do sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho giảm tại các thương nhân đầu mối, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến khó lường”, Bộ Tài chính đánh giá.

Dù các thương nhân đầu mối giảm mạnh lượng nhập khẩu trong quý III, nhưng Bộ Công thương vẫn khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước không thiếu.

"Mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối bị gián đoạn hoạt động kinh doanh thời gian vừa qua nhưng tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước, đồng thời nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước", Bộ này khẳng định.

Hiện, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như sau: Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489.000 m3 (gồm 208.000 m3 xăng và 280.000 m3 dầu); Pvoil còn khoảng 230.000 m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000 m3; Saigon Petro còn khoảng 11.000 m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45.000 m3; Thanh Lễ còn khoảng 60.000 m3...

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hơn 22 triệu m3/năm.Trong đó, nguồn nhập khẩu chỉ chiếm 20%, còn lại là từ nguồn cung từ hai nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn.

Trong quý III, 2 nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Dung Quất dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-da-chi-68-ty-usd-nhap-xang-dau-d175307.html