Việt Nam đã điều trị 198 ca khỏi bệnh

Không để dịch bệnh lây lan và tuyệt đối không chủ quan: Chiều 17-4, tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 63 địa phương, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch.

Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, không để dịch lan rộng. Vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn. Có an toàn mới phát triển được. Phó thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, cần tiếp tục đề cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Bên cạnh những gói hỗ trợ của Nhà nước, cần tiếp tục khơi dậy và nhân lên mạnh mẽ truyền thống tương thân tương ái.

Đặc biệt, chúng ta cần thúc đẩy những thay đổi tích cực đã nhận ra từ lâu và cũng đã có thay đổi nhưng chậm khi không có dịch, nhưng trong điều kiện dịch bệnh thì đã thay đổi nhanh hơn, tích cực hơn. (HÀ VŨ)

Cả nước có thêm 21 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh: Thông tin từ Tiểu ban điều trị-Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, ngày 17-4, cả nước đã có 21 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Cụ thể như sau: Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có 17 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: Bệnh nhân (BN) 108, BN 128, BN 133, BN 139, BN 169, BN 172, BN 173, BN 174, BN 183, BN 191, BN 213, BN 217, BN 219, BN 221, BN 223, BN 242, BN 251. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan (Ninh Bình) có một bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là BN 229. Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trà Vinh (Bệnh viện dã chiến số 1) có 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: BN 105, BN 106, BN 144.

Tất cả trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Như vậy, đến thời điểm này, tại Việt Nam đã có tổng cộng 198 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. (ĐINH NGHỊ)

Các ca bệnh nặng đang tiến triển tốt: BN 19 gọi hỏi, giao tiếp được; nhận biết không gian, thời gian, bản thân tốt; không liệt khu trú, không có phù trên lâm sàng, không sốt; BN 161 thở máy qua nội khí quản, tiếp tục cho bệnh nhân tập thở, cơ lực còn yếu, giao tiếp chậm, liệt nửa người trái, còn sốt cơn dao động trong ngày; BN 91 không sốt, thở máy, có nhịp tự thở, không chảy máu mũi miệng, kiểm soát rối loạn đông máu tạm ổn, XQ phổi không tổn thương xấu thêm. 14 ca có kết quả xét nghiệm một lần âm tính với SARS-CoV-2; 19 ca có kết quả xét nghiệm hai lần âm tính với SARS-CoV-2. (PHẠM HẰNG)

Theo dõi 177 người tiếp xúc BN 268 mắc Covid-19: Sáng 17-4, Bộ Y tế cho biết, 22 mẫu xét nghiệm của các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 số 268 tại thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đều cho kết quả âm tính. Liên quan đến bệnh nhân này, hiện Hà Giang đang cách ly, theo dõi 177 trường hợp có tiếp xúc. Hiện cơ quan chức năng đã phong tỏa thôn Pín Tủng và cách ly toàn bộ xã Phố Là và thị trấn Phố Bảng (Đồng Văn); thành lập 7 chốt chặn tại các lối vào thôn, cả tuyến biên giới và các xã lân cận, kiểm soát 24/24 giờ, trong đó các chốt biên giới giao Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ. (NGUYỄN THÚY HÀ)

Chỉ được vận chuyển khách liên tỉnh trong nhóm các địa phương nguy cơ thấp: Ngày 17-4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có hướng dẫn về tổ chức vận chuyển hành khách giữa các địa phương thuộc nhóm 3 (nhóm có nguy cơ thấp về dịch Covid-19). Theo đó, chỉ được thực hiện vận chuyển hành khách liên tỉnh giữa các tỉnh, thành phố thuộc nhóm 3 với nhau, đồng thời hành trình vận chuyển không được đi qua địa phận các tỉnh, thành phố thuộc nhóm 1 (nguy cơ cao) và nhóm 2 (nguy cơ). Trường hợp hành trình chạy xe có đi qua địa phận các địa phương thuộc nhóm 1, nhóm 2 thì yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Đối với địa phương nhóm 1, nhóm 2, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu không thực hiện vận chuyển hành khách liên tỉnh, trừ trường hợp vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết... (MẠNH HƯNG)

Hà Nội xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong mua sắm vật tư y tế: Ngày 17-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, đối với công tác mua sắm vật tư phòng, chống dịch, Thành ủy, UBND thành phố đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị phải công khai, minh bạch, thực hiện đúng các quy định. Thành phố cũng đã chỉ đạo Công an thành phố, Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, xử lý những đơn vị tăng giá sai quy định vật tư y tế. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu tăng giá vẫn diễn ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã triệu tập một số cán bộ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP Hà Nội để làm rõ vụ việc mua sắm máy xét nghiệm. Thành phố sẽ kiến nghị xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. (NGUYỄN VŨ)

Chính thức đưa robot khử khuẩn vào hoạt động tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi: Từ ngày 17-4, robot khử khuẩn đã chính thức thay thế con người làm công tác khử khuẩn tại khu cách ly, Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Robot có thể tự động phun xịt hóa chất khử khuẩn đạt tốc độ phun, kích thước hạt khí dung, xoay các góc độ phun. Hơn thế, robot còn có chức năng lau sàn nhà sau khi phun, tự phun và khử khuẩn mình trước khi ra khỏi phòng. Ban giám đốc Bệnh viện dã chiến Củ Chi đánh giá cao chức năng của robot khử khuẩn này, giúp giảm số lượng nhân viên chuyên làm công tác khử khuẩn phòng cách ly. (ĐỖ QUANG)

Long An cho phép hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi: Ngày 17-4, Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An cho biết, hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi được phép hoạt động nội tỉnh nhưng không quá 1/3 số lượng phương tiện thuộc đơn vị kinh doanh vận tải quản lý. Ngoài ra, có thêm 23 bến phà sẽ được phép hoạt động trở lại nhưng phải bảo đảm thời gian, số lượng chở theo quy định. Long An vẫn tạm ngưng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh và vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn. (AN LONG)

Nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19: Sau một tháng triển khai, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã vận động ủng hộ từ các đơn vị gồm nhu yếu phẩm, vật tư y tế… với hơn 10 tỷ đồng để trao tặng các đơn vị phòng, chống dịch Covid-19. GS, TS Trần Văn Thuấn-Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Chung tay phòng, chống dịch Covid-19 - Vì một Việt Nam khỏe mạnh” do Hội Thầy thuốc trẻ triển khai trên cả nước cho đến khi Việt Nam tuyên bố hết dịch. (DƯƠNG HẢI)

* Ngày 17-4, Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16) tổ chức trao tặng 1.360 phần quà (mỗi phần quà 10-20kg gạo) hỗ trợ các công nhân của đơn vị và đồng bào dân tộc thiểu số, người dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. (NAM NGUYỄN)

* Ngày 17-4, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã trao 600 phần quà (10kg gạo/phần) tặng 600 công nhân đang thi công trên công trường dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Quân y 175. Tại công trường xây dựng cũng thành lập một trạm y tế xử lý nhanh và thường xuyên phun khử khuẩn tất cả lán trại của công nhân. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19, an toàn lao động trong đội ngũ công nhân được tiến hành liên tục với nhiều hình thức thiết thực, đa dạng, phong phú. (TRẦN CHÍNH)

* Ngày 17-4, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Triệu bữa cơm” trao tặng 200 suất ăn tới các hộ nghèo tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Ngoài ra, Thành đoàn thành phố còn hỗ trợ những người trên 60 tuổi có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Bình Chánh; tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại quận 10 và quận Thủ Đức. (HỒNG GIANG)

* Công đoàn Viên chức TP Hồ Chí Minh đã trao kinh phí và quà hỗ trợ hơn 300 đoàn viên là người lao động khu lưu trú công nhân của Công ty Cổ phần Du lịch văn hóa Suối Tiên (quận 9) bị giảm thu nhập do dịch Covid-19. Mỗi phần quà trị giá 1,2 triệu đồng, trong đó, Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ 1 triệu đồng. (HOA NAM)

* Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng đã khởi động Chương trình “ATM gạo nghĩa tình” nhằm giúp hộ nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn. Để triển khai Chương trình “ATM gạo nghĩa tình”, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng đã vận động được hơn 6 tấn gạo từ sự chung tay ủng hộ của cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên nhà trường và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Mỗi người đến cây “ATM gạo nghĩa tình” được nhận 2kg gạo cùng với một số nhu yếu phẩm khác, như: Mì chính, dầu ăn, mì ăn liền... (VĂN CHUNG)

* Ngày 17-4, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Nông tổ chức cấp 2 tấn gạo hỗ trợ 155 hộ nghèo trên địa bàn 7 xã biên giới của tỉnh và 9 chốt bảo vệ biên giới của nước bạn Campuchia. Theo đó, mỗi hộ dân được cấp 10kg gạo và mỗi chốt bảo vệ biên giới của nước bạn được hỗ trợ 50kg gạo. (BÌNH ĐỊNH)

* Sáng 17-4, Ban đại diện Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội tại Tây Nguyên đã trao gần 1.000 chiếc khẩu trang y tế và nhiều thực phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe tặng người dân đang cách ly y tế tập trung tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai). (ANH SƠN)

Tình hình dịch Covid-19 (cập nhật 18 giờ ngày 17-4)

Quốc gia và vùng lãnh thổ nhiễm: 212

Thế giới Việt Nam

Số người nhiễm: 2.193.666 268

Số người điều trị khỏi: 555.590 198

Số người tử vong: 147.384 0

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 73.758

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/viet-nam-da-dieu-tri-198-ca-khoi-benh-615586