Việt Nam đã ghi nhận biến chủng BA.5, tiêm vắc xin rất cần thiết!

Giáo sư Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, 'Việt Nam cũng đã ghi nhận sự xâm nhập của biến chủng Omicron BA.5 và có nguy cơ sẽ lấn lướt các chủng cũ'.

Chiều ngày 27/6, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về việc tăng cường tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Theo đó, Bộ Y tế cho biết, người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.

Trong khi đó, tiêm mũi nhắc vắc xin COVID-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19.

“Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc xin liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần thứ 10 đến 19 sau tiêm.

Nếu những người này được tiêm nhắc vắc xin phòng COVID-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm vi rút SARS- COV-2” Bộ Y tế cho biết.

Cũng tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí, Giáo sư Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin thêm, hiện ở nước ta đang lưu hành chỉ yếu biến chủng Omicron BA.2, đây là chủng có biểu hiện lâm sàng nhẹ.

Theo ông Lân các chuyên gia trên thế giới vẫn nhận định trong giai đoạn tới dịch vẫn có nguy cơ tăng trở lại. Omicron là biến thể phổ biến nhưng chưa phải biến thể cuối cùng. Hệ thống giám sát trọng điểm đặc biệt các bệnh viện liên tục lấy mẫu và giải tự gen.

“Việt Nam cũng đã ghi nhận sự xâm nhập của biến chủng Omicron BA.5 và có nguy cơ sẽ lấn lướt các chủng cũ.

Các chuyên gia tại buổi cung cấp thông tin của báo chí về tiêm vắc xin COVID-19

Chuyện xâm nhập các biến thể mới là khả năng tất yếu vì hiện nay việc giao lưu đi lại đã được nới lỏng. Bộ Y tế tiếp tục giám sát và điều chỉnh công tác phòng chống dịch”- ông Phan Trọng Lân chia sẻ.

Cũng liên quan đến công tác tiêm chủng, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì hiện nay Việt Nam là một trong những cơ quan đi đầu trong tiêm chủng vắc xin COVID-19. Chúng ta đã hoàn thành 223 triệu mũi tiêm.

Mũi 3 đã tiêm 44 triệu người, về tiến độ triển khai, với chỉ đạo của Bộ Y tế, tổ chức triển khai cho đến hiện nay người trong nhóm nguy cơ 3,4 triệu người đã tiêm mũi 4.

Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng nhiều địa điểm tiêm chủng người dân không đến như kế hoạch, mang giấy mới đến nhưng người dân từ chối.

“Người dân cần tham gia tiêm chủng theo kế hoạch để bảo vệ bản thân và cộng đồng” – bà Dương Thị Hồng nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin thêm, trong số 32.212 trường hợp tử vong do COVID-19 thì có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19; 29,8% đã tiêm mũi 1 hoặc mũi 2 vắc xin và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.

“Con số trên là minh chứng cho việc tiêm chủng COVID-19 mang lại để bảo vệ sức khỏe” – ông Vương Ánh Dương nói.

Cũng theo vị này, với tình hình COVID-19 hiện nay ở Việt Nam và việc triển khai tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên, rất cần thiết và là thời điểm phù hợp để tiêm nhắc mũi thứ 4.

Ông Vương Ánh Dương cũng cho rằng, nếu ước tính ở Thành phố Hồ Chí Minh có 900.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nếu tất cả được tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì số mắc COVID-19 bị MIS-C chỉ là 1 đến 2 trường hợp so với con số là 40 trường hợp nếu tất cả số trẻ này không được tiêm vắc xin.

Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí, bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa lớn của việc tiêm vắc xin COVID-19 đối với người dân và trẻ em. Tiêm chủng là điều rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe và rất quan trọng trọng thời điểm hiện nay.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-da-ghi-nhan-bien-chung-ba5-tiem-vac-xin-rat-can-thiet-post201321.html